Phẫu thuật khối u buồng trứng khổng lồ tại Bệnh viện K - Ảnh: Hà Linh |
U thường lành tính, song nếu gặp biến chứng có thể khiến bạn gái trẻ mất đi thiên chức làm mẹ.
Người lớn chủ quan, trẻ “mất” buồng trứng
Em Nguyễn Minh P. (7 tuổi, Hà Nội) một hôm bỗng dưng đau bụng quằn quặn, buồn nôn được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư vì nghi ngộ độc thực phẩm hoặc viêm ruột thừa.
Tuy nhiên khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ kết luận bé bị xoắn u buồng trứng trái, phải mổ cấp cứu cắt bỏ khối u.
May mắn là em vẫn giữ được buồng trứng. Em Trần Thị H. (11 tuổi, Bắc Giang) lại không may mắn như vậy, em phải cắt bỏ một bên buồng trứng.
Trước đó cha mẹ em thấy bụng em ngày một to bất thường nhưng không đưa đi khám vì không thấy con kêu đau đớn. Mãi sau thấy em H. thường kêu tức bụng, người nhà mới đưa đi khám thì phát hiện u.
Bác sĩ đã cắt bỏ khối u nặng tới 3,5kg và cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng của em H..
PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên cho biết ung thư buồng trứng chỉ chiếm 5% trong các loại ung thư ở nữ nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư phụ khoa. Tại VN, tỉ lệ mắc chiếm khoảng 3,6-3,9/100.000 người dân. Điều đáng nói phụ nữ chưa có con dưới 30 tuổi lại chiếm tỉ lệ rất lớn vì không sinh con hoặc chưa sinh con là yếu tố thuận lợi cho u buồng trứng phát triển, trong khi phần lớn bệnh nhân phát hiện muộn dẫn tới các biến chứng. |
Trường hợp em Đỗ Thị H. (18 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) là câu chuyện đau lòng.
Em H. bị gia đình đánh đập, hàng xóm chê cười vì chưa chồng mà chửa. Em H. chẳng hiểu sao, không có người yêu, chẳng “quan hệ” mà bụng ngày càng to. Gia đình nghèo nên cũng mặc kệ, chờ đến ngày đi sinh.
Nhưng hơn một năm chẳng thấy H. sinh, người gầy còm, xanh rớt, gia đình đưa tới bệnh viện mới biết H. bị u buồng trứng. Phẫu thuật lấy được khối u 18kg. Tuy nhiên, sau khi ra viện về nhà, do sức khỏe yếu, H. đã tử vong.
Một trường hợp đáng tiếc khác là chị Lê Thị M., 28 tuổi, đang làm việc bỗng đau quặn bụng được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện.
Kết quả siêu âm chị M. bị u nang buồng trứng gây xoắn vặn, phải mổ cấp cứu cắt một bên. Sau nội soi xét nghiệm tế bào kết luận ung thư, có dấu hiệu di căn.
Chị M. được chuyển tới Bệnh viện K mổ lại, lấy hết buồng trứng, vét hạch và phải tiếp tục điều trị hóa chất.
Theo TS Phạm Duy Hiền - phó trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi T.Ư, u buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, có cả trẻ mới sinh cũng gặp.
Thực tế có nhiều bệnh nhân có khối u buồng trứng to một vài ký, đến trên 10-18kg, nhưng kỷ lục nhất là trường hợp của một bệnh nhân 38 tuổi người dân tộc Tày có khối u buồng trứng nặng hơn cả cơ thể: 27kg (trong khi cơ thể nặng 26kg).
Lành tính nhưng dễ tử vong
TS Phạm Duy Hiền cảnh báo u buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn).
U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên - phó giám đốc, trưởng khoa ngoại E Bệnh viện K, phần lớn u buồng trứng là dạng u nang lành tính (chiếm hơn 90%).
Chỉ số ít trường hợp là u ác tính (hay còn gọi là ung thư buồng trứng), nhưng cũng có một số trường hợp mới đầu là u lành tính, không chữa trị sớm có thể dẫn đến u ác tính và dễ gây tử vong (đặc biệt ở hai nhóm tuổi:
10-12 tuổi hoặc tuổi sau mãn kinh). Đối với các u lành tính bình thường sẽ không sao nhưng khi xảy ra biến chứng rất dễ gây nguy hiểm.
Các chuyên gia nhấn mạnh nếu u lành tính được phát hiện sớm hoặc ung thư có độc tính thấp, nếu phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân vẫn có thể giữ được buồng trứng và sinh sản bình thường.
Nếu phát hiện trễ, khả năng cắt bỏ tử cung và buồng trứng là rất cao. Đối với ung thư độc tính cao, nguy cơ tái phát rất lớn vì khả năng sống của tế bào ung thư này rất mạnh.
Khám sức khỏe định kỳ Để phát hiện và điều trị kịp thời u buồng trứng, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên khuyến cáo nữ giới nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Đặc biệt nếu thấy đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, nôn, đôi khi có thể bị choáng vì đau; bụng to bất thường; sờ thấy khối ở vùng bụng kèm theo đau ở vùng này; rối loạn kinh nguyệt, có chảy máu âm đạo; dậy thì sớm hoặc không thấy kinh nguyệt... phải nghĩ tới u buồng trứng và đi khám chuyên khoa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận