Sinh viên vừa chạy xe vừa bấm điện thoại hoặc để balô trong giỏ xe là “miếng mồi ngon” cho bọn cướp giật - Ảnh: Thanh Hiếu |
Nhiều bạn đọc phản ảnh khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (TP.HCM, Bình Dương) đang xây dựng, nhiều tuyến đường chưa hoàn thiện, cây cỏ mọc um tùm, dân cư phức tạp với nhiều hàng quán, nhà trọ nên cướp giật rất dễ ra tay và tẩu thoát.
Theo các sinh viên (SV), đoạn đường từ ngã tư Trung tâm Giáo dục quốc phòng đến ký túc xá khu B và đoạn đường đi tắt từ Trường ĐH Nông lâm vòng về Trường ĐH Quốc tế là những địa điểm từng xảy ra cướp giật và trấn lột tài sản. SV đi bộ một mình hoặc đi với bạn bè qua khu vực này có nguy cơ bị cướp rất cao.
Bọn cướp thường lợi dụng những cung đường vắng vẻ để chạy xe ép sát nạn nhân vào lề đường rồi trấn lột tài sản như laptop, máy ảnh, ví tiền (thường để hết trong balô) và điện thoại di động. Có khi người lái xe giả vờ chạy đến bên cạnh hỏi đường nhằm đánh lạc hướng nạn nhân để người ngồi sau giật mạnh balô, giỏ xách rồi rồ ga bỏ chạy.
Bạn Huỳnh Thị Thùy Duyên, một SV ở đây, kể: “Khoảng 12g ngày 15-1-2015, tôi đạp xe đến trường với balô để trước giỏ xe. Khi xe tôi vừa ôm cua qua Trường ĐH Quốc tế thì hai thanh niên đi xe máy chạy ngang nhấc bổng chiếc balô tôi lên. Tôi ú ớ chưa kịp tri hô thì bọn chúng đã mất hút. Tôi mất hơn 1 triệu đồng và các giấy tờ tùy thân, nhưng vẫn còn may là hôm đó tôi không mang theo laptop”.
Bà Nguyễn Thị H., người bán nước giải khát gần Trường ĐH Quốc tế, cho biết các nhóm thanh niên trộm cướp ra tay rất nhanh, nhiều SV vừa lấy điện thoại ra chưa kịp nghe là “bay” mất hoặc SV vừa dựng xe trước cửa hàng, quay ra đã không còn.
“Nhất là vào các dịp lễ, tình trạng trộm cắp xảy ra càng nhiều. Ai hớ hênh là mất của ngay” - bà H. cho biết. Như trường hợp của Lê Thị Ngọc Ánh - SV Trường cao đẳng Công thương TP.HCM, sống trọ trong khu vực này - vừa từ quê lên, cô đặt tạm đồ đạc gần cửa để mở khóa. Vừa mở cửa xong, cô quay ra định mang hành lý vào nhà thì tất cả đã không cánh mà bay!
Nhiều trường hợp SV bất cẩn đã tự biến mình thành “mồi ngon” cho kẻ cướp. Ông Trần Việt Thắng, phó giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM, kể: “Rất nhiều SV có thói quen vừa chạy xe vừa bấm hoặc nghe điện thoại. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm khi chạy xe trên đường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu”.
Ông Thắng chia sẻ thêm: “Nhiều SV vì tiết kiệm chút thời gian mà đi vào lối tắt như đoạn đường bên cạnh Trường ĐH Nông lâm hay con hẻm cặp sát nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Những lối tắt đó rất nguy hiểm vì đường ngoằn ngoèo, vắng vẻ, dân cư phức tạp. Chưa kể nhiều đôi nam nữ thường dựng xe dưới lòng đường rồi leo lên các bờ đất gần khu vực hồ Đá ngồi tâm sự, trong khi bên dưới bọn trộm chỉ cần bẻ khóa là phóng xe chạy ngay”.
Ông Thắng cho biết trung tâm đã đưa ra rất nhiều giải pháp nhằm phòng chống nạn cướp giật trong khu vực này, nhưng điều quan trọng hơn hết là ý thức tự giữ gìn tài sản của SV. “Thực tế cho thấy nhiều SV còn thờ ơ, chủ quan.
Khi đến các hàng quán hoặc tiệm photocopy tài liệu học tập, SV phải hỏi xem có người trông coi xe hay không thay vì cứ nghĩ “chạy ra liền chắc không sao”. Balô nên đeo sau lưng, không nên để trước giỏ xe đạp hoặc móc dây đeo vào tay lái của xe máy” - ông Thắng cảnh báo.
Ai bắt được trộm cướp thưởng 3 triệu đồng Theo Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã lập các chốt dân phòng, chặn hết cửa ra vào, có người túc trực 24/24 giờ tất cả bảy ngày trong tuần và trang bị 10 bộ đàm để dân phòng liên lạc với nhau khi có sự cố. Hằng năm trung tâm đều mời công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) và Q.Thủ Đức (TP.HCM) đến các trường ĐH nằm trong khối ĐHQG TP.HCM để trao đổi, khuyến cáo với SV các nguy cơ xảy ra cướp giật để phòng tránh. Ngoài ra, theo ông Thắng, thực hiện chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”, trung tâm thưởng nóng 3 triệu đồng cho bất kỳ ai bắt được trộm cướp. Mặt khác, hiện nay chủ trương của UBND thị xã Dĩ An và Q.Thủ Đức là không cấp phép xây mới, sửa chữa các khu nhà trọ trong làng đại học nên các nhà trọ bên ngoài rất xập xệ, cửa nẻo thiếu an toàn. “SV nên vào ở ký túc xá để được đảm bảo về an ninh trật tự hơn” - ông Thắng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận