09/05/2021 09:22 GMT+7

Cảnh giác với chiêu lừa ăn theo ví điện tử

NGUYỄN HƯỜNG - PHONG SƠN
NGUYỄN HƯỜNG - PHONG SƠN

TTO - Đã xuất hiện nhiều hội nhóm như chợ online đa dạng các kiểu trao đổi, mua bán, kiếm tiền trực tuyến ăn theo ví điện tử.

Cảnh giác với chiêu lừa ăn theo ví điện tử - Ảnh 1.

Sau khi chị D. thanh toán tiền điện, kẻ gian đã biến mất trên mạng - Ảnh: NGUYỄN HƯỜNG

Theo thông tin từ nguồn Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 35 ví điện tử được cấp phép kinh doanh ở Việt Nam. Có những loại ví thông dụng đã có hàng triệu, chục triệu khách hàng sử dụng. 

Nhiều nhất là loại hình đăng tin mua - bán voucher (kiểu như phiếu giảm giá) trên ví điện tử. Ngoài voucher, nhiều người cũng đăng mua lượt ref (ref là lượt đăng ký mới ở các ví điện tử theo mã giới thiệu của một ai đó để cả hai cùng được quà tặng...). 

Rồi còn là kiểu kiếm tiền qua tải app, chơi game ảo kiếm tiền thực, rủ nhau bấm link quảng cáo để đủ số lượng sẽ nhận được tiền hoặc quà...

Những giao dịch, mua bán kiếm tiền trên các chợ online của người dùng ví điện tử kiểu như trên diễn ra suốt ngày đêm. Giá trị thường từ vài ngàn đến vài trăm ngàn, thỉnh thoảng mới có giao dịch lên đến tiền triệu. 

Những giao dịch đôi bên không biết nhau, chính vì thế các đối tượng xấu đã xâm nhập vào để lừa tiền. Càng nhiều nhóm mua bán thì càng nhiều người xấu lợi dụng để kiếm lời bất chính.

Chị H.D., người quen của tôi, có một voucher được giảm 35.000 đồng tiền điện, vì đã đóng tiền điện nên chị đăng bán trên chợ ví. 

Nhiều người vào hỏi mua với giá từ 15.000 - 25.000 đồng. Một người gửi cho chị đường dẫn vào một nhóm Zalo và giới thiệu đây là nơi mua bán, trao đổi uy tín. Khi bấm vào, chị D. được nhập nhóm ngay. 

Một tài khoản khác nhảy vào tự giới thiệu là trưởng nhóm, có gửi một số ảnh giao dịch mua bán trước đây cho chị D. tin tưởng. Người này gửi mã hóa đơn điện và hướng dẫn chị D. thanh toán tiền điện cho họ, hứa hẹn sẽ trả trọn tiền cho chị sau khi giao dịch thành công. 

Sau khi chị D. thanh toán hóa đơn điện 406.000 đồng (gồm 35.000 đồng từ voucher và 371.000 đồng từ ví điện tử Zalo Pay của mình), họ "biến mất" sau khi chặn ngay tin nhắn cuộc gọi trên Zalo. Nhiều người mất toi tiền trong ví điện tử, mất cả voucher giảm giá vì cả tin trước chiêu lừa tương tự.

Có những kẻ lừa đảo tung những voucher giảm giá điện, nước, Internet hấp dẫn để dụ dỗ người mua. Bạn tôi được mời vào một nhóm Zalo, người có nick Vùng Biển Mặn đang rao bán voucher giảm 50.000 đồng tiền điện, trừ trực tiếp vào hóa đơn. 

Anh đã chuyển tiền trước 455.000 đồng cho người này thanh toán hóa đơn điện tháng nhà mình. Và kẻ lừa đảo mất hút sau khi nhận tiền và đẩy ngay Zalo của anh ra khỏi nhóm. 

Các nhóm lừa đảo kiểu này nhanh chóng bị cộng đồng mạng bóc phốt. Tuy nhiên, họ liên tục thay nick và ảnh đại diện, và vẫn có những người tiếp theo bị lừa.

Bộ Công an đã có hẳn đường dây nóng 113 hoặc 0692348560 để tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Nhưng các kiểu lừa đảo chiếm đoạt qua mạng có giá trị nhỏ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng thì hằng ngày diễn ra rất nhiều. 

Người bị lừa cũng thường không tố giác vì phiền toái, mất thời gian không đáng có. Các đối tượng lừa đảo trên các chợ online vì thế vẫn sống được.

Những bị hại có thể giữ tin nhắn giao dịch, lịch sử giao dịch, ghi âm cuộc gọi (nếu có), số điện thoại (nếu có), tài khoản, link Facebook, tài khoản Zalo... để tố giác kẻ lừa đảo. 

Nhưng tốt nhất, đừng nhẹ dạ cả tin vào người lạ trên chợ mạng. Lợi ích chưa thấy, đã thấy mất mát lớn gấp chục lần.

Lại rộ tin nhắn mạo danh ngân hàng lừa người dùng Lại rộ tin nhắn mạo danh ngân hàng lừa người dùng

TTO - Người dân phản ảnh tiếp tục nhận được tin nhắn mạo danh ngân hàng dụ đăng nhập vào tài khoản theo đường link cho sẵn.

NGUYỄN HƯỜNG - PHONG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp