
Nắng nóng người dân cần tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với cá nhân và hai vụ nghi ngộ độc tập thể tại các trường học, điều này gây nhiều lo ngại liên quan ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết nắng nóng hiện nay.
Nhiều vụ ngộ độc lớn
Mới đây 33 học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, được đưa vào Bệnh viện quận 11 cấp cứu khi đang đi tham quan, nghi do ăn bánh mì mua mang theo từ cơ sở ở quận 6.
Vài ngày trước, hai hệ thống trường TH-THCS Tuệ Đức tại TP Thủ Đức có dấu hiệu nghi ngộ độc thực phẩm sau các bữa ăn tại trường. Trong đó khoảng 33 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường do cùng một công ty tại quận Tân Phú (TP.HCM) cung cấp.
Ngay sau khi các vụ việc xảy ra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhanh chóng có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc.
Đồng thời phải tăng cường các biện pháp quản lý, đặc biệt trong các bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho hay dù đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm nhưng nguy cơ ngộ độc vẫn còn trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay thời tiết nắng nóng kéo dài tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Trong tháng 4-2025, TP sẽ tổ chức tháng hành động vì an toàn thực phẩm, nhắc nhở cộng đồng nâng cao ý thức phòng ngừa ngộ độc.
Bà Lan nhận định để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong thời tiết như hiện nay ý thức của người dân rất quan trọng. Cả người bán và người mua cần phải có ý thức, với người bán cần đặt sức khỏe cộng đồng lên trên hết, không vì ham lợi nhuận mà bỏ qua quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Với người mua cần chọn cơ sở được cấp phép kỹ càng, không để thực phẩm quá lâu để tránh bị ngộ độc.

Đồ họa: T.ĐẠT
Cách ngăn nguy cơ
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Do đó các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm.
Ngoài ra một số món ăn như canh, xúp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ "dính" vi khuẩn từ bên ngoài. Với các bếp ăn tập thể, bữa tiệc tập trung đông người như đám cưới, tiệc... đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở bên ngoài khoảng 2-3 giờ, nên bảo quản trong tủ lạnh. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.
Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian hơn 5 phút. Bên cạnh đó, việc ăn sống một số loại thức ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, do đó tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn.
ThS Bùi Thị Duyên, phó chủ nhiệm phụ trách khoa dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 175, phân tích một số loại nhân bánh mì, xôi, đồ ăn đường phố sẽ dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản hoặc chế biến đúng cách.
Khi khâu chế biến và vệ sinh không sạch sẽ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao, dẫn đến ngộ độc cấp tính gây nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao.
Với ngộ độc mạn tính, nếu ăn thực phẩm chứa vi khuẩn hoặc độc tố vi khuẩn thường xuyên có thể gây tổn thương gan, thận hoặc hệ thần kinh.
Sẽ tăng chế tài xử phạt với cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Mới đây Bộ Y tế và Bộ Công an họp bàn xem xét tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Bà Trần Việt Nga, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho hay hai bộ dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa thời gian tới, trong đó có nội dung về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Sở Y tế Hà Nội cũng đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội lên gấp đôi so với mức phạt quy định trong các nghị định hiện hành.
Địa phương phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho hay hiện nay biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm chủ yếu vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, thanh tra xử phạt, đưa thông tin vi phạm lên các phương tiện đại chúng từ cấp xã phường.
Trong đó tuyên truyền cho hai nhóm là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi nhiều người dân dù nhìn thấy không đảm bảo an toàn nhưng vẫn sử dụng các loại thực phẩm này.
"Hiện các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ban ngành về việc quản lý. Điều quan trọng là thực hiện việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và người dân.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường, xã thì lực lượng quản lý của địa phương phải nắm rõ nhất, phải đưa ra giải pháp để quản lý phù hợp với từng vùng, từng địa phương", ông Long nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận