Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Anh, ngụ ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), về "làn sóng" xem nữ đại gia livestream gần đây.
"Xem thử thấy vui vui"
Chị Thùy Anh kể hôm 25-5, đi quanh xóm đâu đâu cũng nghe tiếng... "chửi" từ giọng vị chủ nhân kênh livestream đang nổi đình nổi đám. 3 nhà gần kề coi video, vui vẻ bàn tán trước mặt trẻ con. Đám nhỏ thì "há miệng" theo dõi, không biết có thật sự hiểu câu chuyện hay không, nhưng rất chăm chú.
Điều đáng nói, cha mẹ cũng khoái chí, chỉ trỏ thêm cho mấy đứa con như đang xem một chương trình truyền hình bình thường. Chị cho rằng: "Tôi thấy rất chói tai. Không hẳn là vì nội dung, thái độ của streamer mà là vì sự thích thú vô tư của lũ nhỏ khi xem những nội dung không dành cho chúng, nếu không muốn nói có phần độc hại. Những lời chửi rủa, bốc phốt, những từ ngữ có phần suồng sã... có tốt lành gì cho chúng nó đâu!?".
Ông Hoàng Anh Tuấn (ngụ quận 8, TP.HCM) cũng rất bất ngờ khi nghe đứa con trai lớp 6 bàn luận sôi nổi với bạn bè về sự kiện này. Con ông kể rành rọt mối quan hệ lời qua tiếng lại giữa những người trong cuộc cũng như thuộc nằm lòng những câu nói "cửa miệng" của nữ đại gia. Ông Tuấn hỏi: "Vì sao con lại xem những thứ này?". Con ông trả lời: "Bạn bè con ai cũng bàn tán về chuyện này, con xem thử cũng thấy vui vui".
Ngấm dần "món ăn" độc hại
Chị Nguyễn Trường Ngân - nghiên cứu sinh ngành công nghệ thông tin tại ĐH New York (Mỹ) - cho biết bản chất của livestream cũng là các video, nhưng được diễn ra trực tiếp, streamer luôn đề cao sự tương tác với khán giả.
Khác với các clip đã được biên tập, livestream theo hướng tự nhiên và ít có sự chỉnh sửa. Chẳng hạn, những streamer đôi khi bắt gặp một bình luận tục tĩu, khiêu khích... Nếu không giữ được bình tĩnh hoặc chọn xây dựng kênh theo hướng tạo tranh cãi, streamer cũng "đáp trả" bằng những từ ngữ và giọng điệu khiếm nhã.
Thông thường, streamer dùng cách nói chuyện càng giật gân sẽ càng có nhiều người theo dõi. Trong khi đó, livestream khó giới hạn độ tuổi nên trẻ em nếu có tài khoản đều có thể xem được.
TS xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện tại TP.HCM - cho rằng thế giới mạng hiện nay có những sản phẩm "thượng vàng hạ cám", một mặt chứa nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, nhưng cũng có nhiều nội dung xấu.
Những nội dung bạo lực, nhục mạ, nói xấu... có thể "tha hóa" tâm hồn trẻ em ngày ngày theo dõi. Đặc biệt, những bạn ở tuổi vị thành niên có xu hướng xem những nội dung dành cho người lớn. Trong khi nhiều livestream vốn rất khó kiểm soát độ chính xác trong thông tin, vì vậy những video tiêu cực sẽ khiến trẻ "ngấm" dần các món ăn "độc hại".
Theo bà Thúy, các livestream lên tiếng phê phán cái xấu với thông điệp xây dựng là tốt nhưng nếu chỉ trích với thái độ nhục mạ, tiêu cực... lại tiềm ẩn nguy hại cho người nghe trẻ tuổi. Trẻ em xem các video này lâu dài có thể mất niềm tin vào xã hội, mất tình người, đâm ra chán nản, không có ước mơ, không có động lực phấn đấu.
"Ở phòng tham vấn của tôi, rất nhiều bạn trẻ nói mình rất chán nản, không có ước mơ, mục tiêu. Trong quá trình tham vấn, chúng tôi bắt gặp nhiều trường hợp có liên quan đến những gì các em đang xem trên mạng" - bà Thúy nói.
TS Phạm Thị Thúy cho rằng ngày nay cha mẹ không thể tách những đứa trẻ ra khỏi công nghệ, mà nên hướng dẫn con cách sử dụng một cách thông minh.
Theo bà, trẻ dưới 2 tuổi nên được tránh xa các thiết bị số, tránh ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển tâm trí. Từ 2 tuổi trở lên, cha mẹ có thể bắt đầu cho con xem điện thoại, iPad nhưng với sự kiểm soát nội dung và thời lượng.
Mỗi ngày có thể cho con nghe video âm nhạc, tiếng Anh trong thời gian 15 - 20 phút. Ở tuổi tiểu học, thời lượng này nên từ 30 - 60 phút/ngày. Đến cấp II, có thể tăng lên 2 tiếng nhưng khi trên máy 30 phút cần được nghỉ mắt.
Tránh lệ thuộc thiết bị số
Theo TS Phạm Thị Thúy, phụ huynh cần chú ý quan sát, có thể hỏi thăm con đang xem gì hoặc kiểm tra lịch sử truy cập của con. Những nguy hiểm luôn rình rập, nếu quá tin tưởng vào con cái, có ngày sẽ "tá hỏa" nếu phát hiện con xem các clip vô bổ, bạo lực, dung tục... Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn cho con một đam mê khác như đọc sách, chơi thể thao, đặc biệt trong giai đoạn rảnh rỗi như COVID-19 để tránh phụ thuộc vào thiết bị số.
Khi trẻ em... livestream
Hiệp hội Quốc gia phòng chống hành vi nguy hại với trẻ em tại Anh đã lên tiếng cảnh báo về hiểm họa của việc trẻ tự livestream. Theo hiệp hội, khi khảo sát từ 40.000 học sinh, khoảng 25% bạn thừa nhận đã từng livestream với người lạ. Đặc biệt, cứ 20 em đang livestream thì trong phần bình luận xuất hiện những câu dung tục như yêu cầu các em... cởi quần áo.
Cũng theo hiệp hội, những kẻ lạm dụng trẻ em đã lợi dụng livestream như một khu rừng lý tưởng cho chúng săn mồi. Hiện nay, nhiều ứng dụng có quy định độ tuổi livestream (thường ít nhất 13 tuổi), nhưng vẫn có thể nhiều trường hợp lách luật nếu muốn. Để bảo vệ con trước hiểm họa, theo các chuyên gia, cách tốt nhất vẫn là đồng hành cùng con, không thể đưa cho chúng thiết bị số rồi bỏ bê khâu kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận