Theo số liệu ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2017 đến nay, số ca viêm não nhập viện lên đến 30 trường hợp, trong đó nhiều ca không xác định được loại virút viêm não nào.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa điều trị một bệnh nhi viêm não Nhật Bản rất nặng. Bệnh nhi V.T.Đ. (12 tuổi, ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) vào viện sốt ngày thứ 3, trước đó tại nhà bé sốt cao liên tục 2 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm. Khi nhập viện bé đã ở tình trạng tiếp xúc chậm, sốt 400C, bác sĩ điều trị chẩn đoán sốt siêu vi nghi ngờ viêm não.
Sau khi có kết quả xét nghiệm công thức máu, chọc dò dịch não tủy, kết quả chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não. Diễn biến bệnh ngày càng nặng, bệnh nhi lơ mơ, co gồng, thở dồn dập, được đặt nội khí quản và thở máy. Sau đó, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm máu từ Viện Pasteur xác định viêm não Nhật Bản, tiên lượng bệnh rất nặng.
Bác sĩ Hà Anh Tuấn, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương chủ yếu do virút gây ra. Các virút thường gây viêm não ở trẻ em là viêm não Nhật Bản, Enterovirus, Herpes simplex. Bệnh có thể lây qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản), đường hô hấp (Herpes) hoặc đường tiêu hóa (Enterovirus).
Điều nguy hiểm là viêm não Nhật Bản không có triệu chứng (dưới 1% số người bị bệnh này có biểu hiện lâm sàng). Triệu chứng ban đầu thường bao gồm sốt cao đột ngột và liên tục, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa.
Hiện nay đang vào mùa dịch bệnh viêm não, rất khó phân biệt rõ ràng các loại viêm não, bệnh có tỉ lệ tử vong cao, nếu sống cũng để lại rất nhiều di chứng về sau. Vì vậy việc phòng bệnh là hết sức cần thiết, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm phòng văcxin các loại viêm não thường gặp, đề phòng muỗi đốt...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận