02/02/2016 17:52 GMT+7

Cạnh dinh Chú Hỏa tráng lệ xưa là đường Hui Bon Hoa

HỒ TƯỜNG
HỒ TƯỜNG

TTO - Thời Pháp thuộc, để vinh danh Chú Hỏa và gia đình của ông - nhà doanh nghiệp luôn có tấm lòng hướng tới cộng đồng, một con đường ở khu vực giữa Sài Gòn và Chợ Lớn đã được mang tên Hui Bon Hoa.

Khu biệt thự Chú Hỏa bên đường Lý Thái Tổ năm 1970 (thời Pháp thuộc là đường Hui Bon Hoa) với 8 biệt thự trong khuôn viên (một biệt thự đã bị hư hại (hình chữ nhật trắng bên trái ảnh) từ trước 1975). Số 8 (bát - theo âm tiếng Hoa) biệt thự có liên quan gì đến "phát"? Đường ngang phía trên là đường Lý Thái Tổ, đường bên dưới là đường Hùng Vương, vòng xoay góc phải là vòng xoay Cộng Hòa - Ảnh tư liệu

Phải chăng tên đường như một cách nói Chú Hỏa và con cháu là người Sài Gòn gốc Hoa? Nhưng có lẽ gần gũi hơn là con đường nằm cạnh khu dinh thự Chú Hỏa.

Sau này, thời chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 22-3-1955, con đường được đổi tên thành Lý Thái Tổ cho đến nay.

Đường Hui Bon Hoa bên “dinh Chú Hỏa”

Năm 1952, đường Hui Bon Hoa với ba làn xe có lẽ là con đường mát nhất Sài Gòn vì có đến bốn hàng me tây với tán cây lớn hầu như che khuất ánh mặt trời.

Đường giữa trải nhựa, đường đất một bên, hướng “Ngã sáu - Ngã bảy”. Hướng ngược lại, mặt đường cán đá 5x7 có phủ một lớp đất cát. Xe cơ giới lưu thông trên đường trải nhựa và trên đường cán đá. Đường đất dành cho người đi xe đạp và đi bộ.

Đường Hui Bon Hoa nằm ở “rìa” trung tâm Sài Gòn, có khu đất rộng rãi, được Công ty địa ốc “Hui Bon Hoa và các con” xây dựng 8 ngôi biệt thự tráng lệ mà dân gian thường gọi “dinh Chú Hỏa” lộng lẫy nằm trên khuôn viên ngập tràn bồn cỏ, cây xanh rộng 3,7 hecta. 

Đây là nơi người trong dòng họ Hui Bon Hoa nghỉ ngơi sau giờ làm việc.

Hiện nay khu nhà này là Nhà khách chính phủ.

Đối diện với khu biệt thự của Chú Hỏa là khu nhà trệt mái lá tự phát, thưa thớt của bà con quận 3, với những con hẻm nhỏ cắt ngang dọc, chằng chịt như mặt bàn cờ nên người ta thường gọi là khu Bàn Cờ.

Một góc khu dinh Chú Hỏa, nay là Nhà khách chính phủ nhìn từ vòng xoay ngã bảy về ngã sáu Cộng Hòa - Ảnh tư liệu
Một biệt thự trong khu số 1 Lý Thái Tổ do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng - Ảnh tư liệu
Cây xanh cổ thụ bao trùm từ vòng ngoài khuôn viên khu nhà số 1 Lý Thái Tổ - Ảnh tư liệu

Nơi đây có xưởng đúc ống cống Lý Thành Còn từ loại 20cm đến 1m bằng bêtông cốt thép, khu cư xá nhân viên hỏa xa từ hẻm tiệm bánh canh Trảng Bàng đến gần ngã bảy Chợ Lớn.

Đến năm 1952, khu vực chưa có điện, nước máy. Dân cư sống bằng nước giếng và đốt đèn dầu. Về đêm, ngoài đường vắng xe và người qua lại. Vào mùa mưa thì lại càng vắng vẻ hơn.

Nhà dân thì hầu hết nhà trệt lụp xụp, nhà lợp ngói âm dương, nhà lợp tôn, lợp “phi-rô”, vách tường, vách tôn, vách ván…

Căn phố của dãy nhà bốn căn liền nhau ở mặt tiền đường, phía trước có cái giếng và cây me tây để có giá rẻ hơn các căn phố khác.

Nhà mái ngói âm dương, cột gỗ, tường lửng chỉ cao 2,8m nên khi nhà bên này nói chuyện hơi lớn tiếng thì nhà bên kia cũng nghe được.

Căn phố dài 12m, ngang 3,8m, có cửa hậu. Sau nhà là một trũng nước chắn ngang một dãy nhà tôn, nhà lá vách ván. Nước giếng dùng chung cho khoảng 10 gia đình. Về mùa mưa thì nước dư xài. Còn về mùa nắng, lối xóm canh nhau mới có nước dùng. Thiếu nước uống thì lên miệt ngã bảy hứng nước máy công cộng mang về.

Xung quanh dinh Chú Hỏa, cả một khu nhà lá trở thành khu thị tứ sầm uất

Năm 1954, sau khi có Hiệp định Genève, quân đội Pháp ở trại Pétrus Ký rút đi, khu biệt thự Chú Hỏa trở thành khu cư trú của các phái đoàn có tham gia ký Hiệp định Genève như Ba Lan, Hungary… 

Người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, phân tán đi các tỉnh, một số định cư ở Sài Gòn, có những người mang theo của cải vốn liếng. Nhiều gia đình lần hồi xây dựng lên ở mặt tiền đường Lý Thái Tổ và những phần đất trống.

Cũng từ những năm 1955 trở đi, nhiều dân cư từ các địa phương đổ về Sài Gòn sinh sống, mang theo những bản sắc văn hóa điểm tô cho khu vực đường Lý Thái Tổ. Tiệm phở Hà Nội ở phía ngã sáu Cộng Hòa khá nổi tiếng, thu hút dân Sài Gòn đi ăn “phở Bắc”.

Cà phê Năm Dưỡng của chủ quán người gốc Triều Châu từ Rạch Giá lên nằm trên đường hẻm nối ngang Lý Thái Tổ với Nguyễn Thiện Thuật, nhờ hợp “gu” khách ghiền cà phê nên được tiếng tăm một thời gian dài.

Bánh mì Hà Nội chuyên ăn với “jambon, patê”, từ một quán nhỏ mái tôn vách ván ở đường Nguyễn Thiện Thuật chỉ với 2 bàn vuông, vài chiếc ghế đẩu, nhờ ngon nên đắt khách và từ từ phát triển đến nay thành một cơ ngơi 7 căn phố lầu mặt tiền, bán nhiều loại thực phẩm chín làm sẵn và bánh ngọt có tiếng lâu nay.

Phở "tàu bay" ở cuối đường Lý Thái Tổ đối diện với Bệnh viện Nhi đồng 1, không có giá sống và lá quế kèm theo, vẫn đắt khách như thường và vẫn tồn tại đến nay.

Một biệt thự khác do Công ty Hui Bon Hoa và các con xây dựng ở số 1 Lý Thái Tổ - Ảnh tư liệu
Một biệt thự ở khu đất số 1 Lý Thái Tổ, quận 10. Ngôi nhà này đã dùng đá rửa, một loại vật liệu mới từ thập niên 1950 thay cho tường vôi thời thuộc Pháp trước đó - Ảnh tư liệu

Cũng từ năm 1955, hai hàng cây giữa đường Lý Thái Tổ bị đốn bỏ để mở rộng đường. Phía trên vòng xoay ngã bảy, đường Lý Thái Tổ được mở rộng nối dài đến giao lộ nay là Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2.

Các đường với tên gọi hiện nay là Điện Biên Phủ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong thời đó cũng được mở rộng.

Đường Lý Thái Tổ được thiết trí hệ thống cấp thoát nước và đường dây điện. Hàng cây phía nhà dân lần hồi bị các gia chủ có cây án ngữ trước nhà tìm cách làm cho cây chết để lấn dần ra phía đường. Hàng me tây trước những căn phố mặt tiền phía quận 3 lần hồi trơ nhánh khô và chết. Chỉ còn hàng cây nằm bên trong hàng rào của khu biệt thự Chú Hỏa.

Vài năm sau các cây chết được đốn bỏ. Lần hồi dân chúng chiếm những khoảng trống trên lề đường Lý Thái Tổ xây nhà rồi xin hợp thức hóa. Lề đường Lý Thái Tổ nơi rộng 6m, nơi chỉ rộng 1,5m.

Cuối năm 1964, bộ mặt đường Lý Thái Tổ đã thay đổi khá nhiều. Nhà phố choán suốt mặt tiền đường từ vòng xoay Cộng Hòa đến cuối đường Lý Thái Tổ. Đa số là phố trệt có bảng hiệu buôn bán, phố lầu cũng chỉ lác đác lên được một tầng.

Vòng xoay Cộng Hòa đã có xây tượng đài nên gọi bùng binh Công trường Cộng Hòa. Vòng xoay ngã bảy cũng có tượng đài nhưng không có tên, chỉ gọi bùng binh ngã bảy Chợ Lớn.

Năm 1970, các căn phố mặt tiền đường Lý Thái Tổ đã xây cất nhô ra gần sát mặt lộ. Phố mặt tiền đường Lý Thái Tổ khoác lên bộ mặt khá đặc biệt trong kinh doanh.

Đoạn ngã sáu - ngã bảy đa số là cửa hàng bán vỏ xe hơi. Đoạn ngã bảy đến đường Sư Vạn Hạnh kinh doanh mặt hàng sơn dầu, sơn nước.

Đường Lý Thái Tổ hiện nay nằm trên địa bàn các phường 1, 2 của quận 3 và các phường 1, 9, 10 của quận 10; dài khoảng 1,35km, bắt đầu từ Công trường Cộng Hòa đến đường 3 Tháng 2, gần Bệnh viện Nhi Đồng 1, qua các ngã ba: Nguyễn Đình Chiểu bên phải, Hồ Thị Kỷ bên trái, ngã bảy Chợ Lớn, ngã tư Sư Vạn Hạnh; lộ giới mỗi bên 10m.

Từ thập niên 1990 đến nay, các cửa hàng kinh doanh trên đường Lý Thái Tổ đã có một nét riêng.

Từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ hướng về ngã bảy, các cửa hàng in ấn thiệp cưới, danh thiếp chiếm hầu hết mặt tiền đường. Từ ngã bảy đến Bệnh viện Nhi đồng 1 là các cửa hàng bán các loại sơn dầu, sơn nước, mành trúc và thảm trải nền nhà.

HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp