15/03/2014 09:13 GMT+7

Cánh diều 2013: "Chấm giải mệt quá"

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Năm nào cũng "đến hẹn lại lên" và năm nào cũng lời chê nhiều hơn tiếng khen, thậm chí nghệ sĩ được giải còn "trốn" không đến nhận..., có vẻ như Cánh diều đã hẹp sân chơi.

yMt9Ymxn.jpgPhóng to
Thần tượng - một phim tình cảm hài hước, dễ thương với dàn diễn viên trẻ trung, hợp vai - Ảnh: ĐPCC

Năm nay, giải Cánh diều trở về với tính chất nội bộ khi chỉ "biểu dương trong ngành", không tường thuật trực tiếp trên truyền hình (lễ trao giải diễn ra vào tối 15-1 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội), thế nên sự háo hức có lẽ cũng đã nguội đi nhiều.

Con số 13 phim truyện tham dự Cánh diều vừa được công bố cũng là lúc rất nhiều trang báo dậy lên tiếng "thở than". Bởi lẽ các phim này đều đã chiếu lai rai ngoài rạp, chất lượng đã được kiểm chứng. Rằng từ "mì ăn liền" đến nhảm, từ "thảm họa" đến... "đại thảm họa"!

Phó chủ tịch Hội Ðiện ảnh VN Nguyễn Thị Hồng Ngát nhắn tin cho PV Tuổi Trẻ than thở: "Xem phim chấm giải mệt quá, vì quá nhiều phim thảm họa!". Có thể kể tên các phim mà ưu ái lắm cũng chỉ có thể nói là chất lượng "chưa cao" như Sau ánh hào quang, Tía ơi, Gác kiếm, Hiệp sĩ guốc vông, Săn đàn ông... Ðứng một mình lẻ loi đã chán, giờ gom chung trong Cánh diều mới thấy càng nản bởi ít nhiều thì đây cũng là một cơ hội để nhận diện gương mặt điện ảnh Việt suốt năm qua.

Sẽ là nực cười nếu cứ nói mãi chuyện phim tư nhân, phim nhà nước, bởi sự vượt bậc đến áp đảo về chất lượng, số lượng của khối tư nhân làm phim trong vài năm nay đã là chuyện không cần phải bàn cãi thêm. Tất nhiên, phim tư nhân cũng có rất nhiều phim dở nhưng là cái dở dễ thấy bởi các phim này đều ra rạp, chứ không như phim nhà nước lễ lạt đem chiếu miễn phí vài nơi rồi đắp chiếu nằm kho. May thay, vẫn còn có những đốm sáng để hi vọng rằng điện ảnh Việt chưa đến nỗi bỏ đi. Âm mưu giày gót nhọn, Thần tượng, Cô dâu đại chiến 2 hay Những người viết huyền thoại chính là những phim như thế.

Cũng đã thành tiền lệ, giới làm nghề quan tâm đến Cánh diều hay Bông sen thường bảo "ban giám khảo nào giải thưởng ấy" để nhìn giám khảo mà đoán Cánh diều. Những cái tên như Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên mấy năm nay là những người luôn lên tiếng ủng hộ sự tiến bộ về chất lượng của điện ảnh, ủng hộ sự đổi mới nhiều nhất - họ đã ngồi trong ban giám khảo Cánh diều. Người trẻ có quyền hi vọng nếu họ có phim hay? Nhưng thật ra ít người làm phim xong mà biết rằng phim mình dở. Có chăng hiếm hoi mùa Cánh diều năm nào, khi biết mình đoạt giải với phim Long ruồi, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn nói với Tuổi Trẻ: "Khi biết Long ruồi cũng dự giải Cánh diều, có một bạn cũng là đạo diễn còn đùa tôi: "Nếu được giải anh nhớ phát biểu: Giải Cánh diều mọi năm thường trao cho phim dở, năm nay tôi đoạt giải không biết vì phim tôi dở hay vì giải Cánh diều đã tiến bộ hơn!". Thế nên, tôi rất bất ngờ và không thể nói là vui được khi biết mình được trao giải đạo diễn xuất sắc với phim Long ruồi"!

Giải Cánh diều rồi cũng sẽ gây tranh cãi bởi dẫu sao "một vạn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Dù nghệ sĩ mỗi năm càng ít mặn mà. Và cũng khó giữ bí mật như Oscar bởi loáng thoáng cũng nhiều người đã biết tin, biết giải. Ngày 13-3, trên Facebook của Những người viết huyền thoại đã đăng một thông báo: "Báo chí dự đoán sai hết, Những người viết huyền thoại sẽ không có giải...", rồi một giải cá nhân cho kịch bản của một phim nghe đâu được giải bạc phút chót đã bị hủy bởi nhiều ý kiến cho rằng kịch bản này đạo phim Hollywood...

Xôn xao náo động cũng chỉ vậy, đời sống điện ảnh chắc chắn sẽ trở lại với nhịp riêng của nó. Bởi hình như chưa ai nhờ giải Cánh diều mà có thêm cơ hội làm phim. Người làm phim hôm nay lo nghĩ nhiều hơn cho doanh thu của phim vốn phụ thuộc vào phần lớn từ khán giả, phần nhỏ từ lưỡi kéo kiểm duyệt. Chỉ đó đây ai quan tâm tặc lưỡi, cứ thế này, rồi sau ai chơi với Cánh diều?

CÁT KHUÊ

Phim truyền hình: dễ nhận diện ứng viên nổi bật

Ðã có tranh cãi khi phim truyền hình có riêng một liên hoan truyền hình toàn quốc, hà cớ gì mà giải thưởng điện ảnh lại cứ ôm thêm lĩnh vực này? Thế nhưng mỗi năm phim truyền hình Việt có cả ngàn tập phim, áp đảo điện ảnh đến thế thì lẽ nào lại bắt họ đứng ngoài cuộc chơi khi họ rất nhiệt tình trong lúc dân điện ảnh lại thường "nản".

Dễ nhận diện các ứng viên nổi bật bởi đa số phim dự giải Cánh diều là các phim đã phát sóng. Thuyền giấy, Bình Tây đại nguyên soái và nhất là Chạm tay vào nỗi nhớ... là những phim khán giả truyền hình yêu thích. Ðạo diễn Nhâm Minh Hiền khá mát tay trong những đề tài về cuộc sống của người dân nhập cư, Thuyền giấy của anh với câu chuyện cảm động về nghị lực của cô gái trẻ Hương Thảo vượt qua nghịch cảnh sau khi bị chồng ruồng bỏ và mất đứa con đã chiếm được nhiều cảm tình của người xem. Câu chuyện về những cô gái, chàng trai đang học tại học viện cảnh sát của Chạm tay vào nỗi nhớ hiện đang tạo nên những hiệu ứng đáng kể với khán giả khi phát sóng trên VTV3. Bộ phim này cũng đang được nhiều người xem lại trên mạng xã hội YouTube và tạo ra những bình luận khá sôi nổi... Chỉ có Bình Tây đại nguyên soái là gợn lên sự phân vân bởi lẽ phim này còn đang vướng vào cuộc tranh cãi bản quyền về kịch bản giữa Hãng phim Giải Phóng với tác giả Phạm Thùy Nhân (Tuổi Trẻ ngày 26-12-2013).

Hoàng Lê

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp