Các học sinh của trường tham gia kỳ thi kiểm tra tay nghề theo tiêu chuẩn Úc - Ảnh do nhà trường cung cấp |
Ba học viên đó là Nguyễn Khánh Sơn (TP.HCM), Phạm Trần Hưng (Gia Lai) và Phạm Thanh Dũng (Vũng Tàu). Họ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo diện Visa 457 (diện đi làm việc tại Úc đối với lao động có tay nghề - PV).
Cánh cửa mới
Trước giờ xuất ngoại, Nguyễn Khánh Sơn vui mừng nói: “Đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời tôi. Tôi được công ty phía Úc ký hợp đồng với mức lương hơn 54.000 đôla Úc/năm, một mức lương mà trước giờ tôi không dám mơ tới”.
Sơn sinh năm 1981 trong một gia đình có bốn anh chị em, lập gia đình vào năm 2009, công việc hằng ngày là làm thợ sắt. Năm 2012 sau thời gian tìm hiểu, Sơn đăng ký học nghề hàn tại Trường CĐ quốc tế Vabis Hồng Lam.
Sau hai năm học, Sơn tốt nghiệp và tham gia kỳ thi kiểm tra tay nghề của Trường ĐH Victoria (đánh giá tay nghề theo tiêu chuẩn Úc). Sơn đã vượt qua kỳ thi này và được một doanh nghiệp ở Úc qua trường phỏng vấn. Cánh cửa đi xuất ngoại làm việc đã mở với Sơn.
Không giống như Sơn, Phạm Thanh Dũng dù đã có một bằng ĐH và đang học thêm một bằng ĐH thứ hai nhưng đã nghỉ ngang và chuyển sang đăng ký học nghề hàn. Ông Phạm Thanh Hà - cha Dũng - chia sẻ ông từng đi làm việc ở nước ngoài nên khuyên con nếu học ĐH mà không định hướng được nghề nghiệp, không xuất sắc thì nên về học nghề.
Nghe lời cha, Dũng bỏ ngang học ĐH về học nghề. Cũng giống như Sơn, Dũng đã đạt được chứng chỉ tay nghề của Trường ĐH Victoria và được một doanh nghiệp Úc tuyển dụng.
Khác với hai học viên trên, Phạm Trần Hưng là người từng đi XKLĐ ở Nhật. Tuy nhiên, khi về nước Hưng đi làm công nhân nên thu nhập không ổn định. Hưng lại tiếp tục nuôi hi vọng đi XKLĐ một lần nữa. Lần này Hưng mong muốn đi và làm việc lâu dài hơn ở Úc.
Chắp cánh cho người học nghề
Ông Trần Hồng Lam, phó hiệu trưởng điều hành trường, cho biết ba học viên trên được Công ty Glasstech Ptylimited (vùng lãnh thổ Bắc Úc) ký hợp đồng tuyển dụng làm việc bốn năm. Sau khi kết thúc hợp đồng, nếu người lao động không vi phạm pháp luật có thể ở lại làm việc tiếp nếu chủ doanh nghiệp có nhu cầu hoặc người lao động tìm được chỗ làm việc mới.
Theo ông Lam, từ năm 2012 nhà trường triển khai chương trình hợp tác với Trường ĐH Victoria để tổ chức đánh giá tay nghề cho các học viên thuộc chương trình XKLĐ sang Úc. Để có thể làm việc tại Úc, các học viên phải đảm bảo năm điều kiện: kinh nghiệm làm việc hai năm trở lên, tiếng Anh IELTS 5.0, đậu kỳ thi kiểm tra tay nghề theo tiêu chuẩn Úc, được doanh nghiệp Úc tuyển dụng và sức khỏe tốt. Khi đảm bảo năm yếu tố trên học viên mới được Bộ Di trú Úc cấp visa để sang làm việc.
Ông Lam cho biết trong đợt thi kiểm tra tay nghề theo tiêu chuẩn của Úc, trường có 10 học sinh tham gia và có tám học sinh đậu, trong đó ba học sinh được một doanh nghiệp Úc tuyển. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cầu nối để các doanh nghiệp Úc tiếp xúc, phỏng vấn đối với số học sinh còn lại để các bạn có thể ra nước ngoài làm việc theo nguyện vọng cá nhân” - ông Lam nói.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, chủ tịch hội đồng nhà trường, cho biết trường chỉ là chiếc cầu nối để đưa các doanh nghiệp Úc đến với các học viên. Việc có qua Úc làm việc được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực học viên.
“Tôi từng ở Úc và hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Úc. Họ cần lao động có tay nghề và rất thích lao động VN vì sự siêng năng, chịu khó. Ở Úc lao động có tay nghề lương cao hơn cả người làm văn phòng. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mời thêm nhiều doanh nghiệp ở Úc về VN tuyển dụng” - ông Mỹ nói.
Ông Mỹ nói rằng những bạn trẻ học ĐH, CĐ nhưng nếu không có việc làm hoặc làm không đúng chuyên ngành có thể đăng ký học nghề theo chương trình hợp tác XKLĐ, để khi học xong các bạn có thể ra nước ngoài làm việc theo hình thức lao động có tay nghề.
“Nhiều phụ huynh cứ cổ vũ con mình học ĐH, các bạn trẻ cũng đua nhau học ĐH nhưng học xong không có việc làm. Lấy cái bằng ĐH đó treo lên tường nhà để nhìn, cả gia đình hãnh diện vì con mình có bằng ĐH rồi nhưng hậu quả của sự hãnh diện đó là không có việc làm. Nếu những người này đi học nghề thì dù họ có lao động tay chân đi nữa nhưng rõ ràng là họ dùng “cái đầu ĐH” để quản lý tay chân, năng suất và chất lượng công việc càng tốt hơn” - ông Mỹ nói.
“Các bạn là những lao động tay chân nhưng có “cái đầu đại học”. Các bạn đi XKLĐ vài năm có thể dành dụm tiền rồi về nước lập doanh nghiệp và trở thành ông chủ, nếu không các bạn ở nước ngoài vừa làm vừa học tiếp lên cao hơn. Các bạn làm giám đốc nhưng các bạn biết nghề, hiểu các nghề thì tất nhiên là tốt hơn giám đốc không biết nghề chứ” - ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận