Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh - Ảnh: GIA TIẾN |
“Hầu hết những bài viết trong Cánh chim trong gió tôi đều đã đọc từ trước khi sách ra đời” đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hào hứng nói vậy ngay khi phóng viên Tuổi Trẻ hỏi về cuốn sách mà bạn anh vừa xuất bản.
* Bài đầu tiên trong cuốn sách - Xứ sở sợ hãi kỳ cục và chốn tận cùng của thế giới - có làm anh... “choáng váng”? Bởi bài báo ấy như một tuyên bố thẳng thật không chỉ với người quản lý điện ảnh mà còn với cả truyền thông hội chợ...?
- Tôi nhớ cảm giác khi đọc bài viết trên, không choáng váng, mà cảm thấy như được trút nỗi lòng của một người làm phim. Tôi còn nhớ ở thời điểm đó, tôi cũng từng đặt lại vấn đề “làm phim dũng cảm” hay “làm phim photoshop”. Bài viết của Lâm là một trong những tiếng nói lẻ loi hiếm hoi ở thời điểm ấy để cho người đọc thấy một cái nhìn chung về những bất cập ở thị trường điện ảnh Việt Nam.
* Phê bình điện ảnh của Lâm không phải thứ phê bình điện ảnh mà có người từng giễu cợt công thức kể phim + khen tí + chê tí bằng những lời lẽ rất “tô hồng” hoặc kẻ cả... Là một trong những độc giả, anh - với tư cách là một người từng viết phê bình và là người làm phim - thường có cảm giác ra sao?
- Tôi thấy những bài viết của Lâm thiên về cảm nhận cá nhân của Lâm với một tác phẩm, cảm nhận của một kẻ yêu điện ảnh đến ngất ngư và dành nhiều tình yêu điện ảnh của mình để nói về bộ phim.
Chính vì đặt “tình yêu điện ảnh” vào bài viết của mình, Lâm, hoặc sẽ dành nhiều lời khen ngợi cho những bộ phim xứng đáng, hoặc “quất roi vào đít” vào những bộ phim cũng... đáng bị đánh đòn, trong khi vô số những phim nhàn nhạt, không hay không dở, không đáng để nói đến thì Lâm cũng không nói đến.
Nhưng cũng chính vì điều ấy, tôi không nhìn Lâm như một nhà phê bình phim mà là một kẻ yêu phim viết về phim hơn. Cuốn sách của Lâm, vì lẽ đó nó không “khô khan và giáo điều” như một cuốn sách phê bình phim, mà nó ngập tràn cảm xúc của một kẻ yêu phim chia sẻ tình yêu và tâm sự của mình về điện ảnh.
Tôi nghĩ, Cánh chim trong gió là cuốn sách dành cho những ai yêu điện ảnh, yêu phim, và yêu cuộc sống này. Cách Lâm viết về điện ảnh rất nhẹ nhàng như hơi thở, nhưng cũng quyết liệt và gai góc khi chạm vào những vấn đề nhạy cảm, rất thẳng thắn và sòng phẳng với người làm phim và khán giả, và cũng đầy tính chất vấn nhưng không thiếu những gợi ý cho các nhà làm quản lý... Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh |
* Không chỉ là những bài phê bình điện ảnh trong nước, cuốn sách còn có những bài có thể gọi là “cảm hứng điện ảnh”. Như bài “12 triệu khán giả và nỗi hổ thẹn của phim Việt”, hỏi thật, anh có chạnh lòng?
- Tôi thấy đó là cơ hội cho những người làm phim chân chính. Chúng ta chưa có đủ phim hay, chúng ta chưa có đủ rạp tốt, và chúng ta chưa có một nền kinh tế, giáo dục, văn hóa đủ tốt để mọi người dân đều có nhu cầu đến rạp xem phim giải trí và tận hưởng những giá trị mà điện ảnh đem lại cho họ.
Bài viết trên có lẽ là cái vỗ vào má cho tỉnh giấc, để các nhà làm phim, nhà quản lý thấy được một phép so sánh đơn giản với điện ảnh Hàn Quốc, vốn từng có thời kỳ cũng như điện ảnh Việt Nam hôm nay.
* Kiến thức khổng lồ của Lâm về phim ảnh, cách gần như vận dụng ngay tức khắc những khoảnh khắc, chi tiết, câu chuyện... của những bộ phim từng xem để từ đó nhận định một cách đầy hình ảnh về thời sự nhức nhối (như trường hợp của Luyện) về một thái độ (như chuyện đường lưỡi bò)... có phải là một cách tư duy rất riêng có của cây bút Lê Hồng Lâm?
- Tôi rất thích cách mà Lâm qua điện ảnh để nói về những vấn đề xã hội, thời sự, để bày tỏ thái độ, chính kiến. Điện ảnh không chỉ là một cách để chúng ta thoát ly khỏi cuộc sống đời thường - như cách mà Hollywood đã rất giỏi vận dụng để kiếm bộn tiền phòng vé - mà điện ảnh là một tấm gương phản chiếu chính cuộc sống này theo cách riêng của nó, và theo cách riêng mà mỗi khán giả soi rọi vào đấy.
Nếu chúng ta chỉ nhìn điện ảnh theo một cách, thì chúng ta đã chẳng cần phải đọc nhiều sách viết về phim làm gì. Điều làm nên sự riêng tư, độc đáo của Cánh chim trong gió chính là cách mà Lâm nhìn cuộc sống này qua lăng kính điện ảnh của riêng Lâm, và nó đem đến cho người đọc một cảm hứng thú vị.
Cánh chim trong gió là cuốn sách điện ảnh thứ 3 của nhà báo Lê Hồng Lâm (bút danh trên báo Tuổi Trẻ là Lâm Lê - 2 cuốn trước là Xem chữ đọc hình và Chơi cùng cấu trúc). Sách gồm khoảng 50 bài viết về phim, thị trường điện ảnh hoặc những cảm hứng về đời sống từ điện ảnh... trong đó có không ít bài đã đăng trên Tuổi Trẻ vài năm qua. Người viết lời giới thiệu cho cuốn sách là đạo diễn Đặng Nhật Minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận