Các đội cứu hộ tìm kiếm người mất tích - Ảnh: Reuters |
Theo báo chí địa phương, hồi tháng 10-2014 báo Bưu điện chiều Thâm Quyến dẫn lời một quan chức chính quyền địa phương cho biết chọn chỗ để di dời các quả núi bùn đất và chất phế thải trong thành phố là “cực kỳ khó khăn” và “là điều duy nhất gây trăn trở”.
“Thâm Quyến có 12 khu đổ phế thải và chúng chỉ còn cầm cự được đến năm sau (2015)” - báo Bưu điện chiều Thâm Quyến khẳng định khi đó. Và hôm qua, một quả núi chất phế thải ở khu công nghiệp Hengtaiyu sụp đổ, chôn vùi 33 tòa nhà và khiến 91 người mất tích.
Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc nhận định lượng bùn đất và phế thải bị chất lên khu vực này quá cao, dựng đứng, dẫn tới lở đất. Cổng thông tin của chính quyền Thâm Quyến cho biết khu phế thải ở khu công nghiệp Hengtaiyu chỉ được phép tồn tại trong khoảng một năm và lẽ ra phải ngừng hoạt động từ tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên đến trước khi thảm họa xảy ra các công trình xây dựng trong khu công nghiệp Hengtaiyu vẫn tiếp tục xả bùn đất và phế liệu lên quả núi nhỏ này. Nhiều công ty ở Thượng Hải cố tình xả thải vô tội vạ vì các bãi phế thải hợp pháp đã đầy ứ, không còn chỗ chứa chất phế thải.
Nhật báo Khu kinh tế đặc biệt Thâm Quyến tiết lộ thậm chí nhiều công ty địa phương còn đổ cả chất phế thải vào các hồ từng trước đây được sử dụng để nuôi cá. Nhưng không chỉ có Thâm Quyến vật vã với chất phế thải xây dựng.
Reuters dẫn lời kỹ sư Fan Xiao thuộc Cục Địa chất và khoáng sản Tứ Xuyên cảnh báo ở khắp Trung Quốc có vô số bãi phế thải cao ngất trời tương tự như ở Thâm Quyến. “Thâm Quyến là một thành phố hiện đại, do đó tiêu chuẩn quản lý là tương đối cao. Nhiều thành phố khác không đạt đến tiêu chuẩn quản lý như Thâm Quyến” - kỹ sư Fan cho biết.
“Và giờ khi tai nạn xảy ra ở Thâm Quyến thì chúng ta không thể loại trừ nguy cơ lở đất tương tự xảy ra ở những nơi khác” - kỹ sư Fan nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận