Kiểm tra các chỉ số của sản phụ trước khi vô phòng sinh - Ảnh: T.T.D.
Gần đây, một số địa phương xảy ra các trường hợp tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau thủ thuật vô cảm bằng phương pháp gây tê vùng (bao gồm gây tê tủy sống đơn thuần trong mổ lấy thai, gây tê ngoài màng cứng để giảm đau khi sinh) - Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế từng yêu cầu cân nhắc năng lực, điều kiện cấp cứu liên quan đến gây tê tủy sống khi sinh...
Không gây tê vùng một số trường hợp
Lại có ca tử vong liên quan đến gây tê tủy sống khi sinh tại Quảng Ngãi mới đây, Bộ Y tế cho biết từng có các trường hợp gặp sự cố tương tự và bộ đã có văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo trong áp dụng các phương pháp vô cảm khi mổ lấy thai.
Để giảm thiểu các tai biến dẫn tới tử vong của sản phụ, trẻ sơ sinh liên quan đến gây tê vùng, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh thành, các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành và bệnh viện ngoài công lập có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ có sử dụng phương pháp gây tê vùng không áp dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, rau cài răng lược, dọa vỡ tử cung, sản giật, suy thai cấp, mổ lấy thai cấp cứu; có rối loạn đông máu (đã có trường hợp dùng biện pháp gây tê để được sinh thường không đau, sau sinh bị băng huyết - PV); có bệnh lý nhiễm trùng toàn thân, có tăng áp lực nội sọ, bệnh lý tim mạch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện cân nhắc năng lực cán bộ, điều kiện cấp cứu và đánh giá kỹ tình trạng người bệnh khi áp dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng ở các trường hợp sản phụ có tiền sản giật nặng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê hồi sức; sản phụ cần được thăm khám kỹ trước khi áp dụng phương pháp vô cảm; chuẩn bị sẵn sàng các tình huống có thể xảy ra.
Sản phụ dễ gặp tai biến
Theo ông Phạm Bá Nha - khoa phụ sản Bệnh viện Bạch Mai, "khuyến cáo này của Bộ Y tế không phải là cấm áp dụng gây tê vùng khi mổ lấy thai, mà chỉ cấm gây tê tủy sống trong trường hợp sản phụ có bệnh nặng, có thể diễn biến xấu trong quá trình mổ, hoặc các trường hợp có tiền sản giật, sản giật, rau cài răng lược. Các sản phụ sức khỏe bình thường vẫn có thể áp dụng". Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đầy đủ về sức khỏe của sản phụ vừa gặp tai biến.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Vinh - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế - cho biết vụ đã có văn bản gửi Sở Y tế Quảng Ngãi yêu cầu thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá toàn bộ quá trình thăm khám, tiếp xúc, điều trị cho sản phụ vừa gặp tai biến, giải thích cho người nhà sản phụ, có trả lời thỏa đáng cho công luận.
Ông Vinh cho biết sau tai biến trước đây, Bộ Y tế từng yêu cầu ngưng sử dụng loại thuốc liên quan đến ca tử vong sản phụ này (thuốc sử dụng để gây tê tủy sống). Tuy nhiên, khoảng quý 4-2019, sau quá trình đánh giá, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cho sử dụng thuốc này trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận