Dù khẩu phần ăn được cải thiện và cách chế biến ngon hơn nhưng nhiều người vẫn có nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng - Ảnh: X.MAI
Đây là những nguyên nhân khiến con người vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng trong tình hình mới được TS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - nêu ra nhân Ngày vi chất dinh dưỡng của Bộ Y tế sắp tới.
Đã cải thiện nhưng chưa đạt
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 - 2020, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn ở mức chưa đạt về mặt ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Nếu không có các can thiệp đặc hiệu thì khó có thể giảm tiếp xuống mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6 - 59 tháng tuổi đã giảm nhưng vẫn còn ở mức nhẹ và giảm chậm trong những năm gần đây dù đã có chương trình can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao được triển khai nhiều thập niên qua.
Tương tự, đối với kẽm vẫn còn tình trạng thiếu. Tỉ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em 6 - 59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc (67,7%) và Tây Nguyên (66,6%) và còn cao hơn đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (81,9%) và Tây Nguyên (63,9%).
Đặc biệt ở khu vực thành phố, tỉ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6 - 59 tháng tuổi trong 5 năm qua mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (49,6%) và hầu như không cải thiện.
Về máu, tỉ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6 - 59 tháng tuổi trên cả nước giảm nhẹ (19,6%) nhưng vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%).
Cung cấp năng lượng "rỗng" làm ảnh hưởng sức khỏe
Theo TS Trần Quốc Cường, ở những vùng kinh tế còn khó khăn (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên...), người dân ở đây thường thiếu vi chất dinh dưỡng do chế độ ăn uống còn thiếu, kém chất lượng như ăn cơm không thịt cá, chưa bổ sung sữa...
Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, dù kinh tế phát triển hơn, bữa ăn dần được cải thiện, nhưng vẫn có một số yếu tố khác khiến chúng ta thiếu vi chất dinh dưỡng mà ít để ý đến.
Theo TS Cường, nguyên nhân đầu tiên khiến con người vẫn còn thiếu vi chất dinh dưỡng trong thời điểm hiện nay là do ăn nhiều thực phẩm cung cấp năng lượng "rỗng" - thực phẩm chỉ cung cấp năng lượng nhưng không cung cấp thêm vi chất như thức ăn giàu chất béo, nước ngọt, đặc biệt là rượu bia.
Những thực phẩm này không những không cung cấp vitamin và khoáng chất mà còn làm cơ thể tốn thêm năng lượng để tiêu hóa thực phẩm.
Kế tiếp là thiếu iốt. Theo nghị định 09 năm 2016 của Chính phủ, muối ăn phải là muối iốt. Tuy vậy, TS Cường cho rằng khả năng người dân vẫn thiếu iốt do dùng nhiều gia vị mặn khác ngoài muối như hạt nêm, bột canh, nước mắm, nước tương... trong khi những gia vị mặn này chưa có quy định bắt buộc phải có iốt.
Không dừng lại những nguyên nhân trên, TS Cường cho biết thêm, với lượng thời gian lớn ở trong mát, ít ra nắng, nếu có ra ngoài thì thường che chắn nhiều đã khiến nhiều người thiếu vitamin D.
Đây là một trong 13 loại vitamin không có nhiều trong thực phẩm, chủ yếu bổ sung qua đường uống hay được tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu thiếu vitamin D sẽ dễ làm còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người cao tuổi.
Ngoài ra đến nay người dân còn nhận định chưa đầy đủ về vitamin A khi chỉ biết chúng có trong quả cà rốt, có tác dụng tốt cho mắt. Thực tế, vitamin A không chỉ có trong nguồn gốc thực vật dưới dạng tiền vitamin A mà còn có trong nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa...) và còn có vai trò trong tăng trưởng, phát triển ở trẻ, tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống lão hóa...
Đối với sắt, từ trước đến nay thường "ấn định" đối tượng cần bổ sung sắt là phụ nữ từ 15 - 49 tuổi (thường bắt đầu chu kỳ hành kinh đến hết độ tuổi sinh đẻ). Tuy nhiên hiện có nhiều trẻ em gái chỉ mới học cấp II đã dậy thì, do đó phụ huynh cần bổ sung sắt cho trẻ dù chưa đủ 15 tuổi nhưng đã dậy thì.
"Trước đây, khi chất lượng bữa ăn còn kém và thiếu thì thiếu vi chất kiểu khác. Còn trong tình hình mới, dù ăn uống đủ hơn nhưng có một số yếu tố, thói quen ăn uống hằng ngày nêu trên đã gây ra thiếu vi chất dinh dưỡng. Sự khác biệt này giữa nông thôn và thành thị gần như đã rút ngắn, chủ yếu là khác biệt giữa đồng bằng và miền núi, khu vực sinh thái", TS Cường kết luận.
Những vi chất cần thiết
TS Trần Quốc Cường cho biết vi chất dinh dưỡng bao gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (iốt, kẽm, sắt...).
Đây là những vi chất rất cần thiết và quan trọng, giúp tăng cường sức đề kháng ở các lứa tuổi, riêng người cao tuổi giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến lão hóa.
Nếu cơ thể thiếu những vi chất này sẽ làm chậm quá trình tăng trưởng ở trẻ, giảm sức đề kháng, giảm năng suất học tập và lao động, tăng nguy cơ tai biến sản khoa, đẩy nhanh mắc các bệnh lão hóa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận