Ngày 24-11, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Khưu Mạnh Hùng - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, TPHCM - cho biết sau sự khi nhận thông tin một học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Hà Huy Giáp bị một phụ nữ bịt kín mặt tiếp cận, đưa 20.000 đồng "cho tiền ăn sáng", em đó đưa tiền cho giáo viên thì giáo viên có biểu hiện chóng mặt, buồn ngủ, phòng đã chỉ đạo đến các trường về công tác đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
Theo đó, để tránh trường hợp học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ của người xấu, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 yêu cầu hiệu trưởng các trường tăng cường công tác phối hợp bảo vệ an toàn, an ninh trường học, đặc biệt khu vực cổng trường vào giờ đi học, giờ về của học sinh.
Bên cạnh đó các trường phải tăng cường công tác chủ nhiệm lớp để học sinh gắn kết cao với giáo viên, chủ động thông báo cho giáo viên những sự việc cảm thấy bất thường.
Đồng thời nhà trường cũng cần nhắc nhở phụ huynh đề cao cảnh giác, đề phòng kẻ gian dụ dỗ, lợi dụng và hướng dẫn học sinh các kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý tình huống khi bị người lạ dụ dỗ, lợi dụng…
Theo ThS Trần Thị Quế Chi - phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục TP.HCM, trước những tình huống như vậy, để đề phòng học sinh, trẻ bị dụ dỗ, làm hại, bắt cóc… thì cần có biện pháp từ hai phía.
Trường học phải thực hiện những biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học như: đảm bảo người đưa đón trẻ, đảm bảo an ninh trước giờ vào lớp, sau giờ ra về…, dạy học sinh cách phòng tránh.
Phía gia đình, phụ huynh phải dạy trẻ cách nhận biết và phòng tránh những nguy cơ bị bắt cóc, xâm hại.
Quy tắc "5 không" phụ huynh cần dạy học sinh
Đó là quy tắc 5 không mà trẻ cần được nhận biết và nhắc nhở thực hiện: Không mở cửa cho người lạ, Không đi theo người lạ nơi công cộng, Không lên xe với người lạ, Không nhận đồ ăn, đồ chơi, vật dụng, tiền bạc… của người lạ, Không tự ý đi xa khỏi bố mẹ hoặc xa nhà một mình.
"Phụ huynh phải dạy trẻ nhận diện được những hành vi như thế nào là nguy cơ bị xâm hại (bắt cóc hoặc có những ý định đen tối khác). Ví dụ, phụ huynh cần yêu cầu trẻ nhận diện tránh xa những kẻ có ý định đụng chạm, vuốt ve trẻ, những kẻ xa lạ có ý định tặng quà, cho đồ vật, đồ chơi, mời ăn uống…" , ThS Trần Thị Quế Chi lưu ý.
Dạy học sinh tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn, cộng đồng
TS Ngô Xuân Điệp - giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng bên cạnh việc dạy trẻ nhận diện, cha mẹ cần phải dạy trẻ cách biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng trong trường hợp nguy cấp.
Khi cảm thấy bị người lạ khống chế hoặc cảm thấy bất an trước người lạ nào đó, học sinh có thể gọi nhờ người lớn xung quanh (bất kỳ), gọi cho cô giáo, chạy vào cơ quan công an để được hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận