26/06/2017 16:00 GMT+7

​Cảnh báo những nguy hiểm của bệnh viêm não

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bệnh viêm não có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, nếu phát hiện sớm, chữa kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh cao hơn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…

Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng), virus thủy đậu, quai bị... Nhưng trong mùa hè chủ yếu là arbovirus gây viêm não.

Nguy cơ viêm não do muỗi đốt

Viêm não do arbovirus gia tăng trong mùa nắng nóng. Nguồn lây bệnh là những động vật có vú nhỏ và một số loại chim, ngựa... Muỗi đốt động vật chứa mầm bệnh rồi đốt người truyền bệnh cho người. Bệnh gây viêm màng não, viêm não để lại di chứng, hôn mê, thiểu năng trí tuệ, liệt thần kinh sọ não... tỷ lệ tử vong khá cao. Arbovirus gây ra các bệnh viêm não St. Louis, viêm não Nhật Bản B và các bệnh: sốt Dengue, sốt vàng, sốt xuất huyết.

Viêm não xuất hiện thế nào?

Một trường hợp viêm não điển hình, bệnh nhi thường có các triệu chứng như sau: sốt cao kèm theo các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe và nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê.

Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.

Do viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đồng thời với các bệnh nhiễm virus nên ở bệnh nhi có những triệu chứng đặc trưng của các bệnh này trước khi có biểu hiện viêm não. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1-3 tuần, nếu hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng bệnh nhi mới hồi phục được chức năng tối đa.

Chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ phải chọc lấy nước não tủy bệnh nhi xét nghiệm tìm thấy virus gây bệnh, hoặc nuôi cấy phân lập được virus từ máu bệnh nhi. Các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ não có thể thấy tổn thương do viêm não.

Phương pháp điều trị

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus. Mặc dù có thuốc kháng virus, nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải tất cả các virus. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhi và chữa triệu chứng.

Bệnh nhi cần được điều trị tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, bồi phụ nước và điện giải và nhất là chống phù não rất quan trọng đối với bệnh nhi... Việc điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhi có di chứng cũng rất quan trọng. Ở trẻ nhỏ dưới một tuổi thường bị bệnh nặng, có thể dẫn đến bại não.

Phòng bệnh viêm não

Do việc điều trị cũng rất khó khăn và nhiều di chứng nên phương châm đối phó với bệnh viêm não do virus là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bản thân bệnh viêm não thì không thể phòng ngừa được, nhưng có thể phòng ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm não. Đó là các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như sởi, quai bị, thủy đậu... có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Đối với bệnh viêm não đã có vaccin như viêm não Nhật Bản B thì tiêm vaccin cho cả trẻ em và cả người lớn để bảo vệ.

Phòng bệnh viêm não do arbovirus chủ yếu là chống muỗi đốt và diệt muỗi. Chống muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay… Tránh cho trẻ em chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Luôn ngủ trong màn kể cả ngủ ban ngày.

Diệt muỗi bằng cách: dùng các chất phun diệt muỗi; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước không cho muỗi bay vào đẻ trứng; loại bỏ các dụng cụ có khả năng đọng nước như mảnh bát vỡ, gáo dừa, ống lon, vỏ xe... là nơi có thể chứa nước và muỗi để trứng; diệt lăng quăng bằng các phương pháp dân gian như thả cá bảy màu vào các nơi đựng nước.

Gần đây, người ta còn diệt bọ gậy bằng hạt nở polystyrene: rải lên trên mặt nước nhằm tạo thành một lớp nổi phủ kín mặt nước. Với một lớp các hạt nở dày khoảng từ 1-2cm phủ hết toàn bộ mặt nước là đủ để ngăn muỗi đẻ trứng trên mặt nước và làm cho bọ gậy muỗi sẽ chết do không tiếp xúc được với mặt nước để thở. Đặc điểm của hạt nở polystyrene là không bị phân hủy và có khả năng nổi trên mặt nước được một vài năm. Hạt nở polystyrene không độc hại đối với người, động vật, cá và khi thả vào nước uống cũng bảo đảm an toàn.

Với virus gây viêm não Nhật Bản, trẻ cần được tiêm vaccin đầy đủ và đúng lịch với 3 liều cơ bản: mũi 1 lúc trẻ được một tuổi; mũi 2 sau mũi một từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp