Kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực ASEAN. Gần 50% chủ sử dụng lao động thuộc khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Còn tại Việt Nam - theo một nghiên cứu của ILO, năng suất lao động (NSLĐ) thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Thậm chí, so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn, chẳng hạn, kỹ năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của NSLĐ lại giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002 - 2007, NSLĐ tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.
Theo cuộc khảo sát nhu cầu về kỹ năng của ILO với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung, tất cả chủ lao động đều cho rằng, sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Thực ra, việc thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam cũng đã được khảo sát và bàn luận rất nhiều. Trong một nghiên cứu về “Thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam”, Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra rằng, hơn một nửa chủ sử dụng lao động cho rằng kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và họ cũng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng. Trong đó, 86% trong số các doanh nghiệp có từ 250 lao động trở lên gặp khó khăn khi muốn tìm lao động có kỹ năng. Đặc biệt, “điểm mù” trong kỹ năng lao động phổ biến nhất được chỉ ra là sử dụng ngoại ngữ, vi tính, hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính, khả năng sáng tạo...
Trước những lo ngại về chất lượng lao động cũng như sự thiếu hụt lao động ở Việt Nam nói riêng và các nước trong khối ASEAN nói chung, nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vào những năm tới, ILO khuyến nghị Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực, củng cố các chính sách thị trường lao động hợp lý và ổn định. Cùng với đó, cần thúc đẩy người sử dụng lao động và các tổ chức doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội và thách thức của AEC... Đối với Việt Nam, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Dạy nghề sửa đổi trong kỳ họp cuối năm 2014, ILO kỳ vọng, Luật này nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo thông qua các chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia.
Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận