17/04/2005 19:03 GMT+7

Cảnh báo cách bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân

THUẬN PHÚ
THUẬN PHÚ

TTCN - Hiện nay, chưa tính các loại thuốc kháng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, có hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được bày bán, kinh doanh và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có không ít trường hợp là thuốc giả, thuốc quá hạn hay các loại thuốc nằm trong danh mục cấm sử dụng.

KWRuvlpw.jpgPhóng to

Em Dương bị ngộ độc thuốc BVTV.

Anh Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi, ngụ tại ấp Phú Thuận, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) hiện bị bệnh tâm thần do bị ngộ độc thuốc BVTV.

Một buổi sáng giữa năm 1998, anh vác bình xịt sâu cho mấy cây nhãn sau vườn. Sáng sớm chưa ăn uống gì, anh xịt nhãn mà để đầu trần, ở trần, mặc quần đùi... cộng thêm loại thuốc trừ sâu cực độc nên sau khi xịt xong mấy gốc nhãn, anh than với vợ là chóng mặt, nhức đầu.

Khổ nỗi, nhà kế bên có giỗ, anh cũng cố qua để ngụm vài ly đế với gia đình hàng xóm. Do bụng đói, hít thuốc trừ sâu, uống rượu, anh chịu không nổi, về nhà ngủ một hơi tới khuya do quá nhức đầu. Hôm sau, anh thức dậy trong tình trạng tinh thần không được bình thường, gia đình tức tốc chuyển anh vào bệnh viện. Hơn 10 ngày sau bác sĩ cho biết anh đã bị nhũn não do ngộ độc thuốc trừ sâu và rượu.

Mới đây, bốn người trong một gia đình cũng đã bị ngộ độc thuốc BVTV ở ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, và phải nhập viện.

Chuyện là thế này: sau khi gia đình anh Huỳnh Văn Tánh đi cắt lúa mướn về ngày 11-3-2005, hai đứa con gái của anh là Huỳnh Thị Trúc Dương (14 tuổi) và Huỳnh Thị Quạ (9 tuổi) cùng đứa cháu tên Huỳnh Thị Cẩm Tiên pha nước uống. Cháu Tiên vào tủ lấy một bịch nilông có chứa hột nâu đen pha nước đá và đưa cho Dương, Quạ và chị Lê Thị Loan (vợ anh Tánh) cùng uống. Sau vài phút, cả bốn người cảm thấy choáng váng, nôn ói và té xỉu.

Thấy chuyện chẳng lành, anh Tánh cùng bà con lối xóm chuyển nhanh bốn người vào bệnh viện cấp cứu. Riêng chị Loan phải nằm cấp cứu ở BV Đa khoa Cần Thơ. Anh kể: Cách đó mấy ngày, anh có mua một gói thuốc lẻ hiệu Fudan (hàng cấm sử dụng) để thuốc chim-cò và cất trong tủ. Mấy cháu và vợ anh tưởng nhầm là hột é nên lấy thuốc ra pha nước uống. Do trời chập tối nên anh sơ ý, khi xảy ra cơ sự anh mới sực nhớ vì loại thuốc này không có mùi hôi... Rất may mắn là cả bốn người không ai bị mất mạng vì sự nhầm lẫn chết người này!

Trên đây là hai trong rất nhiều trường hợp bà con nông dân bị ngộ độc thuốc BVTV. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện nay trên 50% những người bị bệnh mắt (phần lớn ở nông thôn) phải đến nhãn khoa để điều trị là nông dân xịt thuốc sâu bị sương thuốc độc bay vào mắt gây bệnh...

Ông Đào Thanh Quang, cán bộ phụ trách an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Ngày nay các loại độc dược không còn xa lạ đối với người nông dân. Song nhiều người quá lạm dụng thuốc BVTV hay trong quá trình sử dụng các loại độc dược này không thực hiện đúng các qui trình bảo hộ lao động trong sản xuất nông nghiệp như không đeo khẩu trang, không dùng nón bảo hộ lao động, uống thuốc BVTV để tự tử... nên có những trường hợp ngộ độc, nhiễm độc thuốc BVTV đáng tiếc xảy ra, gây chết người”.

Ở Vĩnh Long trong hai năm qua (2002-2004) đã có đến 874 người bị nhiễm độc thuốc BVTV, trong đó có tám người chết...

Còn tại TP Cần Thơ, chỉ trong năm 2004 thanh tra thành phố đã phát hiện 381 trường hợp vi phạm các qui định trong lĩnh vực nông dược do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, quá đát... Lực lượng đã cảnh cáo 221 trường hợp (phạt 140 trường hợp với số tiền gần 44 triệu đồng); tịch thu hơn 1.000 sản phẩm nông dược quá hạn; gần 3kg nguyên liệu làm thuốc thú y...

Hiện nay có trên 1.000 thương phẩm thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường. Ngoài các nhãn hiệu sản xuất tại VN, rất nhiều loại thuốc được sản xuất từ nước ngoài. Hằng năm Bộ NN&PTNT đều có ban hành những qui định sử dụng các loại thuốc, cũng như các loại thuốc hạn chế hay các loại thuốc bị cấm sử dụng. Có những loại thuốc cực độc - hàng cấm -nhưng vẫn thẩm thấu qua biên giới như Methylparathion, Monitor, thuốc diệt chuột Trung Quốc, Fudan...

Làm gì để hạn chế tình trạng trên? Theo ông Phạm Văn Quỳnh, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, căn cứ vào pháp lệnh BVTV, thanh tra ngành nông nghiệp thường xuyên thanh - kiểm tra tuyến cơ sở, các điểm kinh doanh...

Đối với các loại thuốc BVTV sản xuất tại VN nhưng quá hạn sử dụng thì phải tổ chức niêm phong sản phẩm, gửi về nơi sản xuất để xử lý. Các trường hợp ngoài thị trường thì phải tịch thu xử lý...

Nông dân phần lớn thích sử dụng thuốc BVTV có tác dụng ngay mà không biết đó là những loại thuốc gây tác hại cho môi trường và sức khỏe con người. Cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành, nhiều cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho nông dân về việc bảo quản, sử dụng thuốc BVTV; đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý các đơn vị kinh doanh thuốc BVTV vi phạm các qui định của ngành...

THUẬN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp