Phóng to |
Những ống cọc thép được cắt từ cọc đóng dư nằm rải rác sát mép nước biển - Ảnh: V.Kỳ |
Dấu hiệu sai phạm của các cá nhân liên quan đang được kiểm tra. Nhưng khi khởi động lại thời điểm trước tháng 10-2010, Vinalines sẽ phải đổ thêm hàng ngàn tỉ đồng vào dự án này. Theo Vinalines, để điều chỉnh thiết kế hai bến khởi động tại dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (tại vũng Đầm Môn, phía tây bán đảo Hòn Gốm, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) từ mức có thể đón tàu 9.000 TEU (đơn vị tính tương đương container 20 feet) lên 12.000-15.000 TEU, cần thực hiện khảo sát, thiết kế lại và việc này đang được tiến hành.
Thêm 3.000 tỉ đồng
"Hiện tại Singapore đã chuẩn bị làm cảng có thể đón tàu lên đến 18.000 TEU. Điều đó cho thấy các cảng trong khu vực đang tăng tốc. Coi chừng chúng ta mất cơ hội!" |
Ông Trần Hữu Chiều, phó tổng giám đốc Vinalines, cho biết việc điều chỉnh thiết kế cầu cảng mới dự kiến sẽ đón tàu từ 12.000-15.000 TEU. Thiết kế trước đây của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (Portcoast) sẽ không được sử dụng, chỉ kế thừa một số phần. Vinalines đã giao cho một doanh nghiệp trực thuộc thực hiện công việc này. Hiện nhà thiết kế mới đang thực hiện khảo sát, làm lại dự án. Phương án thiết kế cụ thể chưa có để trình Bộ Giao thông vận tải và Thủ tướng. Do đó, thời gian thực hiện dự án chưa xác định được. Như vậy, dự án cảng Vân Phong khởi công tháng 10-2009 đến nay đã hai năm, hiện vẫn chỉ nằm trên giấy.
Theo ông Chiều, thay vì hai bến khởi động có chiều dài 690m như thiết kế ban đầu, dự án mới sẽ tăng thêm 160m, nâng tổng chiều dài hai bến khởi động lên 850m. Điều này cộng với việc nâng mức thiết kế năng lực đón tàu chắc chắn sẽ khiến dự án đội vốn lên rất nhiều. Hiện mức vốn đầu tư dự kiến phải tăng thêm ít nhất 50%.
Như vậy, sự chậm trễ trong xây dựng cảng Vân Phong và thiếu tầm nhìn ngay từ khi bắt tay vào thiết kế cảng (thực hiện làm hai cầu cảng đón tàu 6.000-9.000 TEU, bất chấp ý kiến phản biện của các chuyên gia cảng biển, nay lại đổi lên 12.000-15.000 TEU là mức các chuyên gia đã đề xuất từ năm 2008 nhưng không được chấp thuận) đã khiến dự án này kéo dài năm này qua năm khác và số vốn đầu tư ngày càng chất chồng. Từ mức được phê duyệt trong năm 2007 là 3.126 tỉ đồng lên 6.177,6 tỉ đồng khi khởi công tháng 10-2009, và nay dự kiến ngốn thêm ít nhất 3.000 tỉ đồng lên hơn 9.000 tỉ đồng đổ vào dự án này.
Lãng phí tiền tỉ
Sự ì ạch của dự án cảng Vân Phong khiến số tiền lãng phí ngày càng tăng lên tương tự như số vốn đầu tư đội lên liên tục. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển, khi bỏ dự án cũ đang làm dang dở, nhiều hạng mục không sử dụng lại rõ ràng sẽ gây lãng phí lớn. Đại diện Portcoast cho biết dù không sử dụng phương án thiết kế của công ty này nhưng khoản tiền theo hợp đồng là 20 tỉ đồng, Vinalines sẽ vẫn phải thanh toán. Chưa kể số tiền đã giải ngân từ ngày khởi công đến khi tạm ngưng thi công ước tính lên đến gần 200 tỉ đồng.
Về việc đội vốn, lãng phí và trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines trực tiếp tham gia dự án, mới đây Ủy ban kiểm tra đảng ủy thuộc Vinalines đã yêu cầu ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án hàng hải I, báo cáo lại các vấn đề liên quan để kiểm tra, làm rõ. Theo thông tin chúng tôi có được, lãnh đạo Vinalines đã để thất thoát trên hợp đồng hàng trăm tỉ đồng khi duyệt đơn giá nguyên vật liệu.
Báo cáo của ông Nguyễn Trường Sơn lên Ủy ban kiểm tra đảng ủy thuộc Vinalines nêu rõ việc duyệt giá quá cao đã khiến Vinalines lãng phí trên hợp đồng khoảng 325 tỉ đồng, trong khi đã được thông tin đầy đủ về các mức giá và chất lượng. Cũng theo báo cáo này, còn một số lo ngại do lựa chọn đơn vị bảo lãnh tạm ứng tiền cho nhà thầu là một công ty bảo hiểm của Hàn Quốc với những điều khoản chưa rõ ràng có thể khiến chủ đầu tư rơi vào tình trạng thất thoát tiền tạm ứng gần 150 tỉ đồng khi có trục trặc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảng biển phân tích thiệt hại lớn nhất là từ những bất đồng giữa các bên tham gia dự án làm dự án này chậm trễ khiến không khai thác được nguồn lực ở Vân Phong. Với công suất ước tính khoảng 0,71 triệu TEU/năm, chỉ riêng bài toán kinh tế khi không khai thác được hàng trung chuyển, hàng hóa phải trung chuyển qua cảng nước ngoài đã làm thiệt hại mỗi năm trên 160 triệu USD.
Phải dồn lực cho Vân Phong
Đại diện một nhà thầu từng tham gia dự án cảng Vân Phong cho rằng sự ì ạch, lãng phí ở cảng Vân Phong có nguyên nhân do năng lực tài chính của Vinalines yếu, đặc biệt dự án ngày càng đội vốn lên cao, dự kiến tới 9.000 tỉ đồng. Do đó để tăng tốc cho dự án này, Vinalines cần dồn lực và kéo thêm nhà đầu tư nước ngoài vào làm cảng. Theo các chuyên gia, càng kéo dài không những bị thiệt hại nặng về kinh tế mà cơ hội để cảng Vân Phong cạnh tranh với các cảng trung chuyển khác trong khu vực sẽ hạn hẹp dần.
Về nguồn lực làm dự án Vân Phong, ông Trần Hữu Chiều cho biết Vinalines đã chủ động hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Vinalines vừa ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Cảng biển Rotterdam của Hà Lan. Bản ghi nhớ có nội dung Rotterdam sẽ tham gia việc xây dựng cảng Vân Phong. Theo ông Chiều, doanh nghiệp này đang chuẩn bị sang VN để làm việc cụ thể với Vinalines, xác định họ sẽ tham gia ở khâu nào. Vinalines dự kiến mời Rotterdam hợp tác bỏ vốn làm cảng. Nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ cùng tham gia đầu tư.
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, chuyên gia nghiên cứu về cảng Vân Phong, cho rằng đây là tín hiệu tích cực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai bến khởi động ở cảng Vân Phong.
Công trường vắng vẻ Ngày 16-10, trở lại Vân Phong cho thấy dự án “cảng trong mơ” đã không còn bóng dáng công nhân. Nhà ở cho công nhân hiện như nhà hoang. Tại công trường, gần 1.000 cọc thép và cọc bêtông nằm ngổn ngang. Những tấm bạt dùng để che mưa nắng nay đã bị gió giật bay hết. Cọc thép đã hoen gỉ và có dấu hiệu xuống cấp. Những đoạn cọc thép thừa vứt lăn lóc sát mép biển. Nhà thầu thi công - liên danh Công ty SK Engineering & Construction và Tổng công ty Xây dựng đường thủy VN - hiện đã rút hết công nhân và máy móc đi xây dựng công trình khác. Phía nhà thầu chỉ để lại hai bảo vệ và một kỹ sư trưởng tại công trường. Ban quản lý dự án hàng hải I cũng chỉ để lại hai cán bộ tại công trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận