Giá dầu Brent hợp đồng tương lai tăng 1,27 USD, tương đương 1,7%, đạt mức 75,17 USD/thùng.
Trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,19 USD, tương đương 1,7%, ở mức 71,56 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 2-9.
"Việc Chính phủ Trung Quốc công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch, kết hợp với sự gia tăng đột ngột của căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã giáng đòn mạnh vào tâm lý bi quan đã chi phối thị trường dầu mỏ trong 3 tuần qua", Giám đốc phân tích thị trường Claudio Galimberti từ Rystad Energy nhận định.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19, nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi áp lực giảm phát và quay trở lại mục tiêu tăng trưởng. Song các chuyên gia cho rằng cần có thêm sự hỗ trợ tài khóa để đạt được các mục tiêu này.
Tại Trung Đông, khu vực sản xuất dầu quan trọng của thế giới, một cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut (Lebanon) đã giết chết một chỉ huy cấp cao của nhóm vũ trang Hezbollah, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa hai bên làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
Các cuộc không kích có nguy cơ kéo Iran, một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Israel. Iran được cho là hậu thuẫn nhóm Hezbollah đóng tại Lebanon.
Trong khi đó, OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu trên toàn cầu trong trung và dài hạn do sự tăng trưởng được dẫn dắt bởi Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông, cùng với sự dịch chuyển chậm hơn trong quá trình chuyển sang xe điện và nhiên liệu sạch.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ và sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một số công ty năng lượng đã tạm dừng một số hoạt động sản xuất, mặc dù cơn bão Helene dự kiến sẽ không đi qua hầu hết các khu vực sản xuất ở phía tây và trung tâm vịnh Mexico. Dự báo bão sẽ đổ bộ vào vùng cán xoong Florida, bang Florida, vào cuối ngày 26-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận