Một góc cảng Quy Nhơn - Ảnh: MINH THÀNH
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng được Văn phòng Chính phủ ra thông báo ngày 4-9, gồm các bộ Giao thông vận tải, Tài chính và Nội vụ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, dù khẳng định việc bán đứt cảng Quy Nhơn cho một doanh nghiệp tư nhân không có kinh nghiệm về lĩnh vực cảng biển có nhiều khuất tất cần làm rõ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc mua lại cổ phần doanh nghiệp này không dễ, trừ khi các cơ quan chức năng chứng minh quá trình cổ phần hóa cảng này có nhiều sai phạm.
Nhà nước phải nắm quyền chi phối
Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20-1-2018, ông Nguyễn Thanh Tùng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng cảng Quy Nhơn có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ của Tây Nguyên, Hạ Lào và đông bắc Thái Lan ra Biển Đông.
Tuy nhiên, với việc cảng này bị bán đứt cho doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương rất lúng túng, không biết quy hoạch ra sao, chỉ đạo phát triển như thế nào. Ông Tùng đề nghị Thủ tướng xem xét, làm sao để Nhà nước nắm giữ 75% cổ phần cảng Quy Nhơn.
Tại cuộc làm việc với đoàn công tác do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dẫn đầu vào tháng 7-2018, ông Hồ Quốc Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cũng đề nghị Thường trực Ban Bí thư quan tâm xem xét, chỉ đạo Chính phủ cho cơ chế về thẩm quyền quản lý của địa phương đối với cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Theo ông Hồ Kim Lân - tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN, cảng Quy Nhơn là một trong số những cảng có vị trí thuận lợi, có tiềm năng phát triển hàng đầu ở khu vực miền Trung.
Nhiều thời điểm cảng Quy Nhơn có sản lượng khai thác nhiều hơn cảng Đà Nẵng. Đặc biệt, cảng Quy Nhơn có lợi thế là hàng nông sản, lâm sản từ Campuchia đều xuất khẩu qua đây thuận tiện nhiều hơn cảng Đà Nẵng.
Việc bán một cảng biển lớn cho một nhà đầu tư không có kinh nghiệm khai thác cảng là bất hợp lý, chỉ nên bán cảng cho một nhà đầu tư chuyên khai thác cảng vì đơn vị kinh doanh khai thác cảng phải rất chuyên nghiệp.
"Nếu bán cho một nhà đầu tư nhắm đến lợi ích khác như mặt đất, mặt biển để phục vụ mục đích kinh doanh khác và xem cảng biển như một bình phong để ưu tiên phát triển những dự án đầu tư kinh doanh riêng là không nên" - ông Lân nói.
TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng cảng Quy Nhơn là một cảng tiền tiêu rất quan trọng, giống như yết hầu trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường biển của tỉnh Bình Định và cả khu vực Nam Trung Bộ, nên không thể bán đứt cho một doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Long, việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn phải đảm bảo tìm được nhà đầu tư chiến lược để cảng biển này phát triển hơn. Do đó, cần phải xem lại việc bán cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành, doanh nghiệp không có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển.
Định giá trước khi đàm phán mua lại
TS Võ Ngọc Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Bình Định - cho rằng phương án để Nhà nước nắm quyền chi phối cảng Quy Nhơn phụ thuộc vào kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Nếu kết luận thanh tra khẳng định việc cổ phần hóa cảng này không đúng các quy định, có sai phạm, phải hủy kết quả, cảng sẽ trở về là cảng nhà nước. Còn nếu kết luận thanh tra xác định rằng việc cổ phần hóa cảng này là đúng, Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại cổ phần đến mức nắm quyền chi phối" - ông Anh nói.
Ông Tô Tử Thanh - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định - cho rằng muốn nắm quyền chi phối cảng Quy Nhơn, trước hết phải xác định giá trị thực của cảng là bao nhiêu, sau đó xác định Nhà nước nắm giữ bao nhiêu phần trăm để giữ quyền điều hành cảng này.
"Số cổ phần còn lại thì ưu tiên bán cho doanh nghiệp đã mua cảng trước đây, nếu họ không mua nữa thì mới kêu gọi những nhà đầu tư trong nước khác" - ông Thanh đề xuất.
Theo ông Lê Song Lai - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, việc mua lại một doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bán vốn là chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, về nguyên tắc nếu muốn mua lại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng phải tự thuê định giá độc lập để biết được giá trị cảng Quy Nhơn hiện nay trước khi đàm phán mua lại.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - chủ tịch Hội Thẩm định giá VN - cho rằng muốn mua lại cảng Quy Nhơn sau khi cổ phần hóa buộc phải thẩm định lại giá trị cảng ở thời điểm hiện tại.
Các đơn vị thẩm định giá sẽ tính toán lại giá trị cảng biển, trong đó có giá trị đất đai của cảng tùy theo thời điểm nhà đầu tư mua cảng.
Trong trường hợp phải mua lại cảng Quy Nhơn, theo ông Vũ Hoàng Hà - nguyên bí thư tỉnh Bình Định, Nhà nước phải thương thảo với các nhà đầu tư vào cảng hiện nay, bởi mấy năm sau cổ phần hóa giá trị đầu tư của cảng khác với trước.
Theo đó, Nhà nước có thể giao cho một doanh nghiệp nhà nước mua lại cảng Quy Nhơn đến mức nắm quyền chi phối, chứ không thể dùng ngân sách để mua.
"Cũng phải kiểm tra lại số tiền bán cảng Quy Nhơn để ở đâu, sử dụng vào việc gì, phải lấy nguồn vốn ấy để góp phần mua lại cảng. Cá nhân tôi nghĩ Nhà nước nên sở hữu 51%, 49% còn lại thì bán cho nhà đầu tư khác. Nếu tỉ lệ cổ phần hóa quá thấp, nhà đầu tư cũng không muốn tham gia" - ông Hà đề xuất.
Cảng Quy Nhơn có vị trí rất quan trọng, cả kinh tế lẫn an ninh quốc phòng nhưng chính quyền địa phương không có vai trò gì là điều rất đáng lo ngại. Vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế mà còn là an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và tầm nhìn dài hạn.
TS Trần Du Lịch
Luật sư Trương Thanh Đức (chủ tịch HĐTV
Công ty luật Basico): Phải thuận mua vừa bán
Bộ luật dân sự có quy định về chuộc lại tài sản. Tuy nhiên, việc có bán lại cảng này hay không là quyền của Công ty Hợp Thành.
Nếu chấp nhận bán lại, chắc chắn doanh nghiệp này sẽ định lại giá cảng Quy Nhơn và có thể giá bán sẽ cao hơn lúc doanh nghiệp mua vào.
Đã mua bán phải sòng phẳng theo nguyên tắc thị trường. Giờ cảng đã tuột khỏi tay Nhà nước rồi, đương nhiên sẽ mất thêm tiền một lần nữa.
Về góc độ luật pháp, trong trường hợp tỉnh Bình Định muốn mua lại cảng Quy Nhơn, cần coi đây là một giao dịch dân sự mới không liên quan đến quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn trước đây.
Cần tôn trọng nguyên tắc thuận mua vừa bán dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Chưa được đầu tư tương xứng
Dù nhà đầu tư từng cam kết sẽ xây dựng cảng Quy Nhơn thành một cảng biển quốc tế, nhưng đến nay mức độ đầu tư vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng - Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, tại buổi lễ chuyển giao toàn bộ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại cảng Quy Nhơn cho "ông chủ" mới là Công ty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành (nắm giữ 86,23% vốn điều lệ của Công ty CP Cảng Quy Nhơn) được Vinalines tổ chức ngày 16-9-2015, ông Lê Hồng Thái - chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Thành - đã khẳng định sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển cảng Quy Nhơn thành một cảng biển quốc tế trong khu vực.
Theo đó, doanh nghiệp này cam kết sẽ đầu tư phương tiện, thiết bị xếp dỡ theo hướng đồng bộ hóa, nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành khai thác cảng.
Đặc biệt, nhà đầu tư mới cam kết "phấn đấu xây dựng Công ty CP Cảng Quy Nhơn từng bước trở thành doanh nghiệp lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên".
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc về sự phát triển cảng Quy Nhơn vào tháng 8-2018, ông Phan Cao Thắng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - khẳng định đến nay "mức đầu tư chưa tương xứng với kỳ vọng phát triển cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt".
Ngoài ra mức độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa thông qua cảng từ sau cổ phần hóa đến nay không cao.
Cũng tại buổi làm việc này, một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng Quy Nhơn là cảng biển dẫn đầu khu vực miền Trung, nhưng kết quả kiểm tra thực tế cho thấy "việc tổ chức kinh doanh dịch vụ cảng biển ở đây đang có vấn đề, kho bãi, bốc xếp, tổ chức của cảng Quy Nhơn đều yếu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận