Ông Nguyễn Bảo Quốc nói: Từ chuyển đổi chương trình phổ thông 2006 sang chương trình 2018 ngành giáo dục TP.HCM ghi nhận một số khó khăn trong triển khai thực hiện phương pháp đánh giá mới. Chúng tôi có thể kể ra bốn khó khăn lớn hiện nay.
Thứ nhất, phương pháp đánh giá mới rất tốt, phù hợp xu thế phát triển của giáo dục hiện đại vì thế đòi hỏi đầu tư về nguồn lực tài chính. Việc thiếu hụt về nguồn lực vật chất và hỗ trợ tài chính đã làm hạn chế khả năng thực hiện các phương pháp đánh giá mới.
Thứ hai, khó khăn đến từ công tác đào tạo giáo viên và hướng dẫn thực hiện phương pháp kiểm tra đánh giá mới. Mặc dù có các buổi tập huấn và thông tư hướng dẫn, việc áp dụng lý thuyết vào thực hành còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt khi nó yêu cầu sự thay đổi lớn trong phương pháp giảng dạy và đánh giá.
Tiếp đến là những thách thức khi chuyển đổi từ hình thức đánh giá truyền thống sang phương pháp đánh giá dựa trên năng lực, phẩm chất đòi hỏi thời gian và sự thích nghi từ phía giáo viên lẫn học sinh.
Một khó khăn nữa là chính áp lực từ phía phụ huynh và xã hội đối với kết quả học tập của học sinh. Chính sự kỳ vọng cao từ phụ huynh và áp lực xã hội về kết quả học tập cũng là một thách thức đối với việc thực hiện phương pháp đánh giá mới.
Tôi cho rằng những khó khăn này sẽ được khắc phục từ từ trong quá trình thực hiện phương pháp đánh giá mới khi giáo viên, học sinh và cả xã hội hiểu được phương pháp đánh giá mới.
* Thưa ông, nhiều giáo viên cho rằng việc kiểm tra đánh giá hiện nay khó khăn còn bởi chương trình chưa có đầu ra cụ thể cho từng bài học, chương học?
- Qua thời gian thực hiện chương trình mới và phương pháp kiểm tra đánh giá mới, TP.HCM đã có những đúc rút kinh nghiệm và cũng đã có những kiến nghị.
Chúng tôi đã thực hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kiểm tra và đánh giá, hướng tới việc đánh giá năng lực của học sinh thông qua nhiều phương thức và công cụ khác nhau thay vì chỉ sử dụng bài kiểm tra học kỳ truyền thống.
Vì thế, chúng tôi kiến nghị cần cụ thể hóa các phương pháp kiểm tra đánh giá. Bởi việc kiểm tra đánh giá theo phương pháp mới đều hướng tới mục tiêu tạo ra một hệ thống giáo dục phổ thông hiệu quả, phát triển toàn diện cho học sinh, phù hợp với yêu cầu của thời đại và xu hướng giáo dục hiện đại.
Ví dụ tại TP.HCM, khi thực hiện kết hợp giữa nhận xét và điểm số trong đánh giá sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân và phát huy năng lực, phẩm chất cá nhân. Đa dạng hình thức trong đánh giá thường xuyên (thực hiện thông qua các hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập) được thực hiện để đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh khi giáo viên thực hiện hoạt động dạy học.
Thông qua việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, giáo viên chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá về mặt tiếp cận kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đánh giá cần sự tham gia của các bên liên quan như phụ huynh, cộng đồng cùng với giáo viên và học sinh, đặc biệt là cần tạo không gian cho nhà trường, giáo viên sáng tạo về các biện pháp thực hiện.
* Ngành giáo dục TP.HCM có những biện pháp gì để tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá học sinh?
- TP.HCM đã đề xuất và triển khai hàng loạt giải pháp khác nhau nhằm đảm bảo việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả. Cụ thể là triển khai các văn bản chỉ đạo, cải thiện chất lượng giáo dục, đầu tư kinh phí thích hợp và tập huấn, hướng dẫn, đa dạng hóa phương pháp kiểm tra đánh giá.
Trong đó, tôi nhấn mạnh đến việc liên quan trực tiếp đến tháo gỡ những khó khăn cho giáo viên, nhất là TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để giáo viên dễ tiếp cận phương pháp đánh giá mới.
Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức các buổi tập huấn và hội thảo để hỗ trợ giáo viên trong việc áp dụng chương trình mới. Chúng tôi cũng hướng dẫn giáo viên trong ra đề kiểm tra theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và phù hợp với cách tiếp cận kiến thức mới.
Chẳng hạn đó là việc hướng dẫn ra đề theo xu hướng kết hợp trắc nghiệm và tự luận với các câu hỏi phải mang tính chất định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Trong bối cảnh thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo chương trình 2018, các trường và giáo viên cần nhiều nguồn lực để hỗ trợ. Trong đó, trước mắt ngành GD-ĐT TP.HCM đã trang bị được tất cả các bộ sách giáo khoa cho các trường tiểu học nhằm giúp học sinh, giáo viên đáp ứng đủ tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học.
Với những biện pháp và sự hỗ trợ đó, Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận đã có sự thay đổi trong cách thức tổ chức kiểm tra và đánh giá. Các trường và giáo viên đã và đang điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới.
Đa dạng hình thức kiểm tra
* Theo thông tư 22, các hình thức kiểm tra đánh giá theo chương trình mới 2018 rất đa dạng, trong đó có kiểm tra theo thuyết trình, theo dự án... Việc này được ngành giáo dục TP.HCM thực hiện như thế nào?
- TP.HCM đã và đang thực hiện việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới. Đa dạng hóa việc kiểm tra và đánh giá định kỳ trong giáo dục là một phần quan trọng của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Điều này không chỉ giúp đánh giá chính xác và toàn diện năng lực của học sinh mà còn khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện.
TP.HCM đã thực hiện một số cách để thúc đẩy sự đa dạng trong kiểm tra và đánh giá. TP.HCM yêu cầu các trường kết hợp nhiều hình thức trong kiểm tra, đánh giá, sử dụng cả các hình thức đánh giá truyền thống như bài kiểm tra tự luận và trắc nghiệm cùng với các phương pháp hiện đại như đánh giá dựa trên dự án, thuyết trình hoặc bài làm sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận