21/02/2014 08:11 GMT+7

Càng chậm cổ phần hóa, càng thiệt hại

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa (CPH) mạnh do sợ mất ghế, nhưng đề án CPH lại thường giao các doanh nghiệp làm rồi trình. TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng còn mâu thuẫn và cần có tổ chuyên gia độc lập để thẩm định, thúc đẩy CPH. Ông Thiên nói:

Rp6Am3EE.jpg
Vinaphone là “món hàng” được nhiều nhà đầu tư săn đón sau cổ phần hóa - Ảnh: T.T.Dũng

- Mục đích CPH là thay đổi cấu trúc sở hữu để thay đổi quản trị. Phải thay đổi theo đúng hướng thị trường cần, đất nước có lợi, chứ không phải mấy ông lãnh đạo doanh nghiệp muốn.

* Không chỉ là lợi ích của lãnh đạo doanh nghiệp, mà ngay cả một số quan chức ở bộ được giao thẩm định đề án CPH cũng có thể không muốn mất đi “dây” của mình?

- Khi lợi ích đã hình thành, nó dễ hình thành lợi ích nhóm, bởi họ có thể ăn chia hoặc “vui vẻ” với nhau trên hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp được điều hành bởi người khác thì “dây” bị vỡ, cả hệ thống đều không thích. Tôi nghĩ điều này có thật và phải tính đến.

* Doanh nghiệp thường được giao tự làm đề án CPH rồi các bộ thẩm định. Nên rất nhiều doanh nghiệp ngành cao su, thuốc lá... đều thấy cần Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cũng rất ít công ty mẹ tại các tập đoàn được đề nghị CPH?

- Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phát biểu, vẫn cần rà soát, đánh giá tiếp để không kéo dài, không che giấu bất ổn nhằm giúp ai đó, nhóm nào đó tiếp tục được hưởng lợi ích bao cấp.

Theo tôi, tái cơ cấu mà các tập đoàn cùng làm mang tính “đại trà” thì không chắc đảm bảo thay đổi được các cấu trúc quản trị vốn dựa trên lợi thế nhà nước, dựa vào hệ thống hành chính bao cấp, thậm chí là sự không rõ ràng của cơ chế... Cần cơ chế rà soát nghiêm túc, không để ai đó có thể che giấu điểm này, hạn chế điểm kia để có thời gian đủ “hạ cánh an toàn” hoặc nếu chưa thể “hạ cánh” thì vẫn giữ được vị trí, cơ chế cũ.

yqdKcQTk.jpg
Ông Trần Đình Thiên - Ảnh: C.V.K.
* Nhưng doanh nghiệp nào cũng đưa ra đặc thù, như cao su thì đất đai ở vùng nhạy cảm, CPH mạnh quá, nước ngoài vào cứ đòi chia cổ tức hết, không còn vốn đầu tư...

- Đấy là cách nói. Nước ngoài vào thì có thể có điều khoản đặc biệt. Không nên đưa ra những lý do để “xập xí xập ngầu”, gây lẫn lộn, cản trở CPH. Thời gian qua có vô số lý do đã được đưa ra theo hướng làm chậm CPH thì tốt hơn. Nhưng lịch sử, kinh nghiệm cải cách cho thấy càng chậm đất nước càng thiệt. Những cái lợi đưa ra chủ yếu là lợi ngắn hạn, không lớn. Theo tôi, dệt may hay cao su, Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối khi CPH. Bia cũng thế. Nói bia nộp ngân sách nhiều, nhưng CPH mạnh có thể sẽ còn nộp ngân sách nhiều hơn.

* Theo ông, có cần lập tổ chức độc lập bên cạnh Ban chỉ đạo CPH trung ương để đảm bảo các phương án CPH thật sự đáp ứng được yêu cầu?

- Theo tôi, không cần lập nhiều tiểu tổ bên cạnh Ban chỉ đạo CPH trung ương. Tuy nhiên, rất cần một nhóm chuyên gia độc lập đánh giá phương án CPH các doanh nghiệp nhà nước một cách khoa học, theo đúng thông lệ thế giới, xem doanh nghiệp ngành này Nhà nước có cần chi phối hay không, mức doanh nghiệp đăng ký giữ cổ phần nhà nước là 65% có cần thiết không, nên thế nào... Chỉ một nhóm thôi, nhưng độc lập, khách quan thì sẽ tăng được tính thực chất, hiệu quả quá trình CPH.

* Ông đánh giá như thế nào về chủ trương hạn chế CPH ở “lĩnh vực tư nhân không làm được”?

- Lần này chúng ta “khoanh vùng” cho tồn tại doanh nghiệp nhà nước đã rõ hơn, như lĩnh vực an ninh quốc phòng, lĩnh vực tư nhân chưa đủ sức làm... Tuy nhiên, bản thân khái niệm “lĩnh vực tư nhân chưa đủ sức làm” phải cẩn thận. Vì có thể có cái tư nhân họ âm thầm làm được từ lâu rồi nhưng ông cứ nói là không làm được mà không chịu chứng minh. Rồi có lĩnh vực anh có cho người ta làm bao giờ đâu mà giờ bắt người ta phải làm được.

Không nên mặc định thêm để thu hẹp những lĩnh vực tư nhân có thể làm. Tới đây, nhiều cái doanh nghiệp nhà nước muốn giữ cũng không được. Như nhiều lĩnh vực trước nghĩ chỉ doanh nghiệp nhà nước làm tốt, nhưng nay nhiều việc đã phải mời đối tác công tư (PPP). Có nghĩa nhiều việc phía nhà nước làm không đáp ứng yêu cầu nữa...

* Nhưng nhiều ý kiến vẫn lo thất thoát vốn như nước Nga đã từng mất?

- Doanh nghiệp nhà nước xưa nay được giao nhiều quyền hành, có tính đặc quyền nên nhiều khi lạm dụng, khiến quản trị không tốt. CPH quyết liệt, cái quan trọng nhất không phải nhà nước bán rẻ hay đắt mà là thay đổi cấu trúc sở hữu, nền quản trị để tài sản quốc gia nằm trong doanh nghiệp được quản lý hiệu quả, phát triển lên. Nếu cứ tính đến tiểu tiết, lo làm mạnh thế này thiệt hại vốn nhà nước mà quên rằng nếu không xử lý sau này có thể thiệt hại bằng vạn lần.

Tất nhiên, quá trình CPH về vĩ mô cũng nên có những kiểm soát nhất định. Như một số ngành công nghiệp, hiện giá thị trường đang rất rẻ, nếu để một số nước láng giềng lớn sang thâu tóm hết thì cũng không nên.

Tập trung thoái vốn để tạo nguồn cho các dự án trọng điểm

Đó là một trong những nội dung quan trọng nêu trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2013-2015. Ngày 20-2, Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ ban hành nghị quyết này ngay trong tháng 2.

Theo đó, Chính phủ giao các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng phương án thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đại diện chủ sở hữu. Phương án thoái vốn sẽ gửi Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo nguyên tắc.

Thứ nhất, đối với Tập đoàn Bảo Việt và các ngân hàng thương mại cổ phần, duy trì tỉ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ (trừ Ngân hàng TMCP Công thương VN). Thứ hai, các doanh nghiệp nhà nước khác căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và vai trò của tập đoàn, tổng công ty đối với phát triển của ngành để xác định tỉ lệ cần duy trì nắm giữ vốn nhà nước.

Thứ ba, trường hợp các doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp thì thực hiện theo đúng tỉ lệ này. Sau năm 2015, các đơn vị phải có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ. Đối với Tập đoàn Bảo Việt và các ngân hàng, tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ không thấp hơn 65% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, còn đối với doanh nghiệp nhà nước khác thì tỉ lệ này là không vượt quá 65%.

L.THANH

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp