Thủ tướng Chính phủ trao đổi với lãnh đạo Quân chủng Hải quân trong chuyến thăm quân cảng Cam Ranh chiều 2-4 - Ảnh: Thành Nhân |
Thủ tướng nêu rõ quân cảng Cam Ranh sẽ dùng cho hải quân Việt Nam, gắn với đó là xây dựng cơ sở hậu cần kỹ thuật cho tàu biển của tất cả các nước, không có sự phân biệt. “Tàu các nước, kể cả tàu ngầm, nếu có nhu cầu vào đây thì chúng ta cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, tương tự một số nơi khác đã làm như Singapore, Hong Kong...” - Thủ tướng nói.
“Trên trời nhìn xuống còn rõ hơn dưới đất”
"Vừa rồi chúng ta cho thử xí nghiệp đóng tàu của Vinashin sửa chữa một số tàu cho hạm đội 7 của Mỹ. Việc này chúng ta công khai, đây là công khai quốc tế. Thật ra bây giờ từ trên trời nhìn xuống có khi còn rõ hơn mình ở dưới này nhìn, thấy rõ dưới lòng biển" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong cuộc làm việc tại UBND tỉnh Khánh Hòa sáng 2-4 |
Theo Thủ tướng Chính phủ, vừa rồi Việt Nam đã thử nghiệm cho một xí nghiệp đóng tàu dân sự trong nước tham gia sửa chữa một số tàu cho hạm đội nước ngoài, có hợp đồng kinh tế thu tiền dịch vụ sửa chữa.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là những vấn đề mà Việt Nam công khai với quốc tế, “thật ra hiện nay ở trên trời nhìn xuống còn rõ hơn ở dưới đất, nhìn thấu xuống lòng biển”.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh giá cao việc thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Thượng tướng Lịch nói Khánh Hòa đã phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết triệt để hiện tượng người nước ngoài ở khu vực Cam Ranh.
Đồng thời đề nghị tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng quy chế quản lý việc ra vào, neo đậu tàu thuyều ở khu vực vịnh Cam Ranh đảm bảo theo yêu cầu.
Về cảng quân sự Nha Trang (TP Nha Trang), tỉnh Khánh Hòa muốn đưa cảng này tham gia phục vụ tham quan, du lịch, tuy nhiên ông Lịch cho biết hiện nay Quân chủng Hải quân giao cho Học viện Hải quân quản lý cảng này, bao gồm việc đào tạo cán bộ hải quân cả chỉ huy và kỹ thuật, số lượng học viên hằng năm nhiều.
Do vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị tỉnh nghiên cứu có thể lồng ghép vào chương trình du lịch của tỉnh, nhưng vẫn để Học viện Hải quân quản lý cảng, trong thời gian tới khu vực này có thể trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của Khánh Hòa.
Đối với cảng hàng hóa Nha Trang (hiện thuộc Vinalines), tỉnh Khánh Hòa đề nghị chuyển đổi thành bến khách đầu mối du lịch biển vì nếu vẫn để là cảng hàng hóa thì gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong quá trình tái cơ cấu của Vinalines đã có chủ trương bán cổ phần một số cảng như cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, cảng Nha Trang..., do vậy khi thực hiện theo đề nghị của Khánh Hòa thì phải tính đến khó khăn hiện nay của Vinalines.
Khánh Hòa đưa ra phương án trường hợp Vinalines gặp nhiều khó khăn về vốn, cho phép tỉnh Khánh Hòa được đứng ra kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện việc chuyển đổi công năng cảng Nha Trang.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý đề nghị của Khánh Hòa về đầu tư cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cụ thể là xây dựng đường băng số 2 và nâng cấp nhà ga hành khách. Tuy nhiên hiện nay ngân sách khó khăn, tỉnh cần tính toán thêm cách làm.
Đề nghị không bêtông hóa vịnh Nha Trang
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng nói vừa qua tỉnh triển khai tám dự án liên quan đến khu vực vịnh Nha Trang, hiện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã đồng ý sáu dự án, còn lại hai dự án gồm: dự án Indochina Nha Trang - Peacock Marina Complex diện tích khoảng 38,6ha và dự án phát triển phía đông đường Trần Phú (có xây dựng khu vực ngầm dưới mặt đất).
Hai dự án này có phần diện tích thuộc phạm vi mặt nước danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang nên phải thực hiện thủ tục lấy ý kiến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, hiện tỉnh đang chờ ý kiến thỏa thuận của bộ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng đây đều là hai dự án có quy mô lớn, có những hạng mục công trình cao tầng xây dựng hoàn toàn trên mặt biển thuộc phạm vi khoanh vùng của khu vực bảo vệ 1 của danh lam.
“Nội dung của các dự án chưa phù hợp với quy định của Luật di sản văn hóa. Các công trình xây dựng chia cắt dải bờ biển thành những đoạn ngắn, manh mún, ngăn cản tầm nhìn từ trong vịnh ra và ngược lại, làm cảnh quan thiên nhiên khu vực này bị ảnh hưởng, dẫn đến xu hướng bêtông hóa” - bà Liên nói.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nói để giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần nghiên cứu các vấn đề như phát triển công trình ngầm để dành nhiều diện tích phía trên làm công viên, không xây dựng công trình trên mặt biển và các công trình nhỏ lẻ thuộc phạm vi dải bờ cát trên biển, điều chỉnh giảm số lượng quy mô và chiều cao các công trình (có công trình dự kiến 40 tầng)...
Ngay sau đó, đại diện tỉnh Khánh Hòa đã giải trình thêm một số vấn đề để bảo vệ quan điểm của tỉnh liên quan đến việc đầu tư các dự án phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025.
Vị đại diện tỉnh Khánh Hòa nói một mặt cần bảo vệ nghiêm ngặt đối với các khu vực cần thiết, mặt khác vị trí phát huy được thì cần phát huy có kiểm soát, bản thân những người địa phương không nhẫn tâm phá nát dải bờ cát ven biển mà chỉ bổ sung vào công viên bằng các khu vui chơi giải trí, thể thao, “nếu nói như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, tất cả những gì liên quan đến vịnh cứ để như vậy thì không nên”.
Xin Thủ tướng cho phát biểu tiếp, Thứ trưởng Liên cho rằng ý kiến của bộ liên quan đến vấn đề nêu trên chưa được Khánh Hòa đánh giá đúng mức. Cụ thể là Khánh Hòa đưa tám dự án thì bộ đã ủng hộ sáu dự án, còn hai dự án tỉnh cần làm việc tiếp để hoàn tất hồ sơ.
Trong kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia sớm làm việc lại với nhau, thảo luận với tinh thần xây dựng, trách nhiệm, tìm phương án có lợi nhất, vừa bảo tồn vừa phát triển theo tinh thần “mục tiêu kép”.
Điều tra tài nguyên tại các vùng biển sâu, biển xa Đó là nội dung quan trọng trong chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Tài nguyên - môi trường công bố sáng 2-4. “Quan điểm của chiến lược xác định rõ phải đổi mới tư duy phát triển biển, chuyển từ thế thụ động sang chủ động, hiểu biết về tiềm năng, lợi thế và tác động bất lợi từ biển, đồng thời làm chủ các hoạt động trên biển, kết nối không gian phát triển đất liền với các vùng biển, hải đảo và vùng biển quốc tế liền kề” - TS Nguyễn Văn Tài, viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN-MT, nói. Cũng theo ông Tài, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020 cũng xác định việc điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển phải đi trước một bước, đặc biệt đối với các đảo, cụm đảo tiền tiêu, các đảo có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. XUÂN LONG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận