Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, rời nhà để đến dự phiên tòa tại Vancouver, British Columbia, Canada hôm 23-11 - Ảnh: Reuters
Khi quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden được kích hoạt, không chỉ những người Mỹ ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ này vui mừng. Tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia (Canada), có lẽ bà Mạnh Vãn Chu và đội ngũ pháp lý cũng khấp khởi hi vọng.
Bà Mạnh đang trong giai đoạn tham gia điều trần, và kịch bản ông Biden làm tổng thống Mỹ có thể mở ra con đường đưa bà trở về Trung Quốc nhanh hơn.
Không ai biết rõ về hướng đi của ông Joe Biden sẽ như thế nào đối với quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Canada và với Huawei. Tuy nhiên, điều chúng tôi rất hiểu ở đây là rõ ràng xét về tính cách, ông Biden sẽ rất khác so với Tổng thống Donald Trump.
Ông Alykhan Velshi (phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Huawei tại Canada) trả lời trực tuyến báo Tuổi Trẻ sáng 24-11.
Tín hiệu mới từ Nhà Trắng
Cuối năm 2018, bà Mạnh bị bắt tại sân bay ở Vancouver (Canada) theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc lừa dối Ngân hàng HSBC và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran.
Bà Mạnh là giám đốc tài chính của Huawei, cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Vụ việc càng gây xôn xao dư luận khi Huawei là tâm điểm trong những căng thẳng toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phía Huawei nhiều lần khẳng định họ là "nạn nhân của mậu dịch chiến". Và khi bắt đầu xuất hiện trả lời báo chí nhiều hơn, ông Nhậm Chính Phi cũng nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc và nói bà Mạnh có thể là "con tin" trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Trong khoảng hai tuần điều trần đang diễn ra, đội ngũ pháp lý bên cạnh bà Mạnh nỗ lực chứng minh có những tình tiết sai phạm trong quá trình bắt và giữ bà Mạnh - căn cứ để chống lại việc dẫn độ nữ giám đốc này sang Mỹ.
Trong cuộc trao đổi trực tuyến với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 24-11, phó chủ tịch phụ trách đối ngoại của Huawei tại Canada Alykhan Velshi lặp lại những lập luận trên, bao gồm việc bà Mạnh đã bị thẩm vấn không luật sư trong 3 tiếng ở sân bay năm 2018. Ông Velshi nhận định tiến trình pháp lý quanh vụ bà Mạnh có thể kéo dài hàng năm trời.
Tuy nhiên, không phải không có lối thoát khác cho "công chúa Huawei". Cũng tại cuộc trao đổi, ông Velshi nhắc lại lập trường cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "can thiệp" vào vụ bắt, và Huawei đã bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung.
Chính vì vậy, dù khẳng định tin vào sự công tâm và trung lập của tòa án Canada, phó chủ tịch Huawei ở Canada vẫn hi vọng một sự thay đổi nếu có ở Nhà Trắng sẽ ít nhiều mang tới tín hiệu lạc quan cho Huawei. Nếu ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, công ty Trung Quốc hi vọng Canada và chính quyền "của một tổng thống Biden chừng mực" sẽ gỡ nút thắt quanh vụ bắt bà Mạnh.
Gỡ nút thắt
Ngoài vấn đề Huawei, vụ bắt bà Mạnh cũng khiến mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên tồi tệ. Vài ngày sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh, Trung Quốc đã bắt hai công dân Canada là Micheal Kovrig và Michael Spavor.
Thực tế mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa Canada và chính quyền Tổng thống Trump càng khiến Canada, Trung Quốc và Mỹ kẹt cứng trong sự căng thẳng suốt hai năm qua.
Điều này có thể là lý do cho việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau là một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên liên lạc với ông Biden, sau khi một số tờ báo uy tín ở Mỹ cho rằng ông đã thắng cử năm 2020. Hãng tin AP cho biết cụ thể ông Trudeau tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Biden trong việc giải quyết căng thẳng Canada - Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo hồi đầu tháng 11, ông Trudeau khẳng định Trung Quốc đang ngoại giao kiểu bắt nạt, và một chính quyền mới của Mỹ sẽ là lời giải: "Tôi cực kỳ tin tưởng rằng chính quyền sắp tới (của Mỹ) sẽ tiếp tục là đối tác tốt của Canada và các nước trên thế giới, khi chúng tôi tìm cách nhấn mạnh với Trung Quốc rằng cách tiếp cận của Bắc Kinh đang đơn giản là không hiệu quả".
Hôm 23-11, chiến dịch của ông Biden công bố danh sách một số ứng viên nội các mới cũng như chính sách đối ngoại. Giới quan sát đánh giá chính quyền tiềm năng của ông Biden sẽ nối tiếp các giá trị cốt lõi từ thời cựu tổng thống Barack Obama: chú trọng quan hệ đa phương và phối hợp mềm mại với các đồng minh.
Hẳn nhiên đó là điều các nước như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản hay các thành viên NATO có thể hi vọng. Và nếu ông Biden có thể tạo ra khuôn khổ đối thoại tốt cho các bên, Huawei cũng đặt hi vọng.
Tại cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Velshi khẳng định vụ bắt bà Mạnh là nhân tố tác động xấu lên quan hệ Canada - Trung Quốc, giải quyết được vụ việc đồng nghĩa mang tới giải pháp tháo gỡ căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc.
Ông Velshi bày tỏ hi vọng "chính quyền Canada trong các thảo luận với chính quyền ông Biden sẽ thấy và nhận được sự hỗ trợ trong việc giảm căng thẳng giữa Canada - Trung Quốc".
"Vì thực ra không có xung đột thực tế giữa Canada và Trung Quốc. Hai nước không phải kẻ thù của nhau... Hi vọng của chúng tôi là trường hợp bà Mạnh sẽ được giải quyết, nhằm tạo điều kiện để đưa quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở lại đúng quỹ đạo. Canada và Trung Quốc là những đối tác thương mại quan trọng" - phó chủ tịch Huawei ở Canada nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận