Ngày 23-11, Nhóm Công tác liên chính phủ đặc biệt về Di cư không thường xuyên - cơ quan trực thuộc Chính phủ Canada đã nhóm họp nhằm xây dựng một chiến lược để giải quyết vấn đề nói trên.
Ông Hursh Jaswal, người phát ngôn Bộ trưởng Di trú Canada khẳng định "Canada là đất nước cởi mở và chào đón người xin tị nạn".
Tuy nhiên, ông nêu rõ tiến trình này phải được thực hiện đúng trình tự và thông qua các kênh thích hợp.
Nhà chức trách Canada đã tổng hợp số liệu về người tị nạn từ Mỹ "nhảy dù" vào Canada qua các cánh đồng và rừng rậm trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 10 vừa qua.
Theo đó, trong tổng số 14.467 người tị nạn vào nước này, đến nay khoảng 1.572 trường hợp đã được xem xét, trong đó 941 trường hợp (chiếm 60%) đã được chấp nhận. Phần lớn các trường hợp được chấp nhận là những người tị nạn đến từ Syria, Yemen, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, hơn 90% số người Haiti xin tị nạn tại Canada bị từ chối.
Tuần trước, hai nghị sĩ cấp cao của Canada đã tới bang Miami và New York của Mỹ gặp cộng đồng người Haiti và Mỹ Latinh để thông tin rõ về những quy định Canada trong việc tiếp nhận người tị nạn.
Dự kiến, nhiều cuộc gặp tương tự sẽ diễn ra tại bang Texas và California trong thời gian sắp tới.
Ngày 20-11 vừa qua, Mỹ đã công bố chính sách nhập cư mới, theo đó quyết định chấm dứt chương trình TPS dành cho người di cư Haiti trong 18 tháng tới.
Quyết định này ảnh hưởng đến 59.000 người Haiti đang sinh sống tại xứ cờ hoa. Do đó, nhiều người Haiti ở Mỹ đã bắt đầu tìm cách vào Canada, gây ra tình trạng ùn tắc trong hoạt động cấp quy chế tị nạn của quốc gia Bắc Mỹ này.
Tình trạng này được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn khi chương trình TPS của Mỹ dành cho 321.000 người nhập cư là công dân các nước Nicaragua, Honduras và Salvatore hết hiệu lực vào cuối năm 2018 và 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận