Nhiều chợ truyền thống đã trở thành điểm đến của khách du lịch tại các thành phố lớn trong cả nước - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo Vụ Thị trường (Bộ Công thương), việc ký kết bản ghi nhớ về hợp tác hoàn thiện khung pháp lý phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc sửa đổi, thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thu hút mọi nguồn lực trong phát triển chợ đô thị trong thời gian tới.
Phía Canada sẽ hỗ trợ Vụ Thị trường trong nước thực hiện nghiên cứu, đánh giá chính sách phát triển và quản lý chợ truyền thống trong đô thị tại Việt Nam, trong đó tập trung vào chợ kinh doanh thực phẩm; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phát triển chợ truyền thống trong đô thị của một số nước; tổ chức tham vấn chính sách và truyền thông định hướng chính sách phát triển và quản lý chợ trong đô thị tại Việt Nam.
Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan trong thời gian tới nhằm bảo vệ và phát huy vai trò của chợ truyền thống trong đô thị, hướng tới phát triển đô thị bền vững, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Đánh giá của Vụ thị trường trong nước cho thấy chợ truyền thống hiện đang có sự cạnh tranh gay gắt từ phía siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online… dù trên thực tế, chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính, với gần 70% thực phẩm lưu thông qua chợ của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay.
Số liệu từ Tổng cục thống kê ghi nhận năm 2018 cả nước có 2.089 chợ đô thị, chiếm 24,65% tổng số chợ tại Việt Nam (cả nước có 8.475 chợ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận