Đây sẽ là một trong những dự án đầu tư hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Canada với tổng mức đầu tư 36 tỷ đôla Canada (27,2 tỷ USD) và do tập đoàn Petronas dẫn đầu.
Dự án sẽ được triển khai trên đảo Lelu gần vùng Hoàng tử Rupert của tỉnh British Columbia.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ xuất khẩu khoảng 19 triệu tấn khí đốt hóa lỏng mỗi năm sang các thị trường châu Á, mang về cho nền kinh tế gần 2,4 tỷ CAD (1,8 tỷ USD) mỗi năm, tạo ra 4.500 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 630 việc làm sau khi đi vào vận hành.
Tuy nhiên, dự án này cũng đang gây nhiều quan ngại tại Canada liên quan đến nguy cơ tăng lượng khí phát thải nhà kính và gây tác động đến môi trường sinh thái của loài cá hồi, vốn là đặc sản của Canada.
Theo Cơ quan Môi trường Canada, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ phát thải trên 5 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm và trở thành “ống khói” lớn nhất tại Canada.
Để trấn an người dân và các nhà hoạt động môi trường, Bộ trưởng Môi trường Catherine McKenna khẳng định trước khi thông qua dự án, Chính phủ liên bang đã đưa ra 190 điều kiện ràng buộc pháp lý, trong đó lần đầu tiên đặt ra giới hạn về mức phát thải khí nhà kính và quy định giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái biển, các vùng đất ngập nước, chim di trú và sức khỏe con người.
Bà McKenna cam kết dự án sẽ phải trải qua khâu đánh giá môi trường nghiêm ngặt. Bộ trưởng Tài nguyên Jim Carr cũng cho biết bên cạnh việc củng cố vị thế của Canada trên bản đồ các nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, dự án này vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nền kinh tế mới nổi, vừa góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu thông các quy định ngặt nghèo về bảo vệ môi trường và sự vào cuộc của các ủy ban giám sát môi trường.
Tình trạng sụt giảm giá dầu trên thị trường quốc tế và dư thừa nguồn cung khí đốt tự nhiên là hai nguyên nhân chính buộc Chính phủ Canada gần đây phải đẩy mạnh các dự án năng lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận