15/08/2014 06:25 GMT+7

Cần xem xét trách nhiệm xây cầu

Đỗ Hào
Đỗ Hào

TT - Bạn đọc cho rằng ngoài lỗi của tài xế (nếu có) còn có lỗi của việc xây cầu không đảm bảo quy định về độ tĩnh không và thiếu hướng dẫn cho người đi đường.

Sau tai nạn, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu mới cắm biển cấm đi thẳng và rẽ vào đường tránh mà lẽ ra phải làm trước đó - Ảnh: Chí Quốc

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Lúc 22g25 ngày 9-8, khi đang chạy trên đường Cầu Sập - Ninh Quới, đến đoạn thuộc xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) xe khách loại 45 chỗ chở 41 người (có sáu trẻ em) đã bị vướng vào cầu vượt phía trên đường này khiến toàn bộ phần mui bị đứt khỏi thân xe văng xuống đường. Vụ tai nạn làm hơn 20 hành khách đang ngồi trong xe bị thương.

Vụ tai nạn giao thông hi hữu này có thể có lỗi của lái xe đã không chú ý quan sát và điều khiển xe với tốc độ cao (theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng), nhưng từ phía các cơ quan nhà nước, đơn vị thi công cũng cần phải xem xét trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước và tổ chức xây dựng công trình.

Nói điều này bởi mọi chuyện được vỡ lẽ khá nhiều khi ngay sau vụ tai nạn, trên báo Tuổi Trẻ ngày 13-8, ông giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bạc Liêu đã thừa nhận tuyến đường Cầu Sập - Vĩnh Hưng là tuyến tỉnh lộ, đã có quy định về độ tĩnh không trên 4,5m, nhưng thi công cây cầu vượt qua đường này chỉ với độ tĩnh không có... 2,6m.

Lý do thi công như vậy vì suất đầu tư cao nếu làm cầu có độ tĩnh không theo chuẩn trên, nên thay vào đó là làm đường vòng tránh cho xe không chui qua cầu vượt này.

Không hiểu sao những người quản lý giao thông ở đây lại chấp nhận kiểu làm chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt về kinh tế là giảm được ít tiền, nhưng không tính toán được lợi ích lâu dài về nhu cầu phát triển giao thông và an toàn của người dân? Rõ ràng những chiếc xe có chiều cao hơn 2,1m đã buộc phải đi đường vòng ở con đường này, gây thêm tốn kém chi phí cho họ.

Điều đáng nói hơn là đơn vị thi công cầu cũng bỏ qua mọi quy định đảm bảo an toàn khi không bố trí hoặc không giám sát việc bố trí biển báo, đèn tín hiệu và các hệ thống bảo đảm an toàn giao thông khác trong thời gian thi công và Sở GTVT tỉnh cũng thiếu trách nhiệm kiểm tra việc này khi đây là tuyến tỉnh lộ - tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng của tỉnh.

Người dân địa phương cho biết trước khi có tai nạn xe khách vướng cầu, không hề có biển chỉ dẫn cho người lưu thông biết hướng đi, và sau khi tai nạn xảy ra cơ quan chức năng mới lắp biển hướng dẫn, cảnh báo.

Trong Luật giao thông đường bộ đã quy định rõ: “Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải đường bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ trình tự quản lý đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật; bảo đảm cấp kỹ thuật đường bộ, cảnh quan, bảo vệ môi trường”, và: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”.

Nếu tuân thủ theo những quy định này, chắc rằng đã không có chuyện xây cầu với tĩnh không thấp hơn quy định, đồng thời cũng không có chuyện thiếu bảng hướng dẫn để người đi đường phải rơi vào tai nạn.

Do vậy, các cơ quan liên quan trong vụ việc này cần phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình với vụ tai nạn đã làm hơn 20 người bị thương, trong đó có người đã bị hôn mê sâu.

Nhìn xa hơn, những người có trách nhiệm cũng cần thay đổi tư duy quản lý và phát triển giao thông, đừng làm theo kiểu tắc trách dẫn đến kìm hãm nhu cầu giao thông chính đáng của xã hội cũng như gây tai nạn cho người đi đường.

Phải đảm bảo độ tĩnh không tối thiểu 4,75m

Ông Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Bộ GTVT) - cho biết do chưa rõ Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng công trình cầu vượt tại đây vào thời điểm nào mà cầu có độ  tĩnh không thấp như vậy.

Thông tư số 39/2011/TT - BGT của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 3-7-2011 quy định độ tĩnh không cầu vượt (tính từ mặt đường lên đến đáy dầm cầu) trên tỉnh lộ hoặc quốc lộ là 4,75m. Bộ cũng quy định độ tĩnh không trên chưa kể phần dự phòng cho sau này còn nâng cấp, mở rộng và tôn cao nền đường.

Ông Thành cho rằng theo quy định của thông tư 39/2011 thì trừ những công trình đã xây dựng trước ngày 3-7-2011, tất cả công trình cầu đường bộ tỉnh lộ hoặc quốc lộ nếu sau này được nâng cấp hoặc xây dựng mới, các địa phương khi xây dựng cầu phải đảm bảo độ tĩnh không 4,75m.

Trường hợp tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng cầu vượt trên trước khi có thông tư 39/2011 thì địa phương cần rà soát độ tĩnh không các cầu vượt trên địa bàn để lắp đặt biển báo giao thông cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tha - giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông công chánh (TP.HCM) - nói việc xây dựng cầu vượt trên tuyến đường Vĩnh Hưng - Châu Thới của tỉnh Bạc Liêu có độ tĩnh không 2,6m là không bảo đảm an toàn giao thông. Vì đây là tuyến đường tỉnh nên việc xây chiếc cầu này phải bảo đảm độ tĩnh không tối thiểu từ 4,75m trở lên.

Nếu địa phương không đủ kinh phí xây dựng cầu vượt đạt tiêu chuẩn an toàn trên 4,75m thì không nên xây cầu. Bởi vì dù có lắp đặt biển cảnh báo hạn chế xe lưu thông, nhưng vào ban đêm xe khó nhìn thấy nên dễ gặp nguy hiểm vì cầu thấp. 

N.ẨN

 

Đỗ Hào
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp