09/04/2012 07:14 GMT+7

Cần vận động viên giỏi hơn cần Asiad

TRẦN VĂN NGHĨA
TRẦN VĂN NGHĨA

TT - Sau câu chuyện “3.150 tỉ đồng tổ chức Á vận hội (Asiad): nên hay không?” (Tuổi Trẻ 8-4), chúng tôi đã nhận được bài viết góp ý thêm cho đề án này từ ông Trần Văn Nghĩa - một người làm kinh tế thể thao.

TT - Sau câu chuyện “3.150 tỉ đồng tổ chức Á vận hội (Asiad): nên hay không?” (Tuổi Trẻ 8-4), chúng tôi đã nhận được bài viết góp ý thêm cho đề án này từ ông Trần Văn Nghĩa - một người làm kinh tế thể thao.

Trước hết tôi rất tán thành với ý kiến của ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - là đang thời điểm kinh tế khó khăn, nhân dân còn nghèo và Asiad là sân chơi quá tầm của thể thao VN, vì thế việc đăng cai Asiad 2019 không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Với tư cách là người làm kinh tế thể thao, tôi xin góp thêm một vài ý kiến sau:

Coi chừng nhầm con số

Khi đăng cai Asiad, những người làm công tác thể thao chúng ta chỉ đưa ra con số 3.150 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD) cho chi phí xây dựng cơ sở vật chất, mua trang thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu, chi phí ăn ở cho các quan chức và tập huấn VĐV..., nhưng các cơ sở hạ tầng đảm bảo cho Asiad có lẽ chưa được tính đúng tính đủ. Bên cạnh đó, tỉ lệ trượt giá của đồng tiền tính đến năm 2019 cũng chưa được tính toán thấu đáo.

Asiad 2010 được tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) là một ví dụ. Kinh phí sau hai tuần tổ chức kỳ tranh tài này sau khi tính gần đúng là 122 tỉ nhân dân tệ, tương đương hơn 18 tỉ USD (nguồn: báo Economic Times) hoặc Thế vận hội Olympic 2012 ở London, kinh phí dự chi khoảng 9 tỉ bảng Anh (tương đương 14,5 tỉ USD) nay đang đội lên con số chóng mặt 11 tỉ bảng Anh.

Với những nước giàu như Anh hay Trung Quốc, họ có cả một lực lượng chuyên gia tinh nhuệ để tính toán việc bỏ ra 1 đồng sẽ lãi được bao nhiêu từ Asiad, Olympic và các công trình xây dựng cho thể thao sẽ thu hồi vốn trong bao nhiêu năm. Trong khi đó, ở VN sau một sự kiện thể thao rầm rộ, người quản lý sân vận động không khác gì “người giữ vùng đất mới được khai hoang”, muốn “tăng gia sản xuất” như tổ chức hội chợ, giới thiệu sản phẩm... thì bị tuýt còi vì kinh doanh trái ngành nghề, còn chờ có một giải đấu hoành tráng xứng đáng với công trình thể thao quốc tế lại còn khổ hơn vì VN rất hiếm có những sự kiện thể thao mang tầm vóc quốc tế.

Trong bối cảnh như vậy, Nhà nước vẫn phải gánh vác kinh phí từ A đến Z để công trình thể thao không bị xuống cấp, trong khi đó người quản lý chưa đủ tầm để tiếp tục giữ gìn công trình thể thao mà họ thừa biết sẽ lạc hậu dần theo năm tháng.

Nên sử dụng 3.150 tỉ đồng kích thích các VĐV

Thể thao VN đang sở hữu hệ thống thi đấu rất nghèo nàn. Bằng chứng là mỗi năm các VĐV bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, điền kinh, bơi lội... chỉ có cơ hội dự giải quốc gia hai hoặc ba lần với giải thưởng rất khiêm tốn. Nếu như VĐV nào xui xẻo bị chấn thương sớm hoặc giải nghệ ở lứa tuổi 30 - độ tuổi chín chắn nhất để phát triển sự nghiệp, họ rất dễ bị sốc vì buộc phải bắt đầu xây dựng cuộc đời mới bằng một nghề nghiệp mới do không phải ai cũng có thể trở thành HLV.

Nếu lấy 3.150 tỉ đồng chia đều từ năm 2013-2019, mỗi năm ngành thể thao sẽ có hơn 500 tỉ đồng để làm nhiều giải thưởng thật lớn suốt 12 tháng cho các cuộc thi đấu có đẳng cấp. Các VĐV điền kinh, bơi lội hoặc bóng bàn chắc chắn phải nỗ lực hết mình để có thu nhập từ giải thưởng (chưa kể quảng cáo) vài tỉ đồng/năm. Lúc đó, không cần tập huấn nhiều nhưng các đội tuyển sẽ mạnh lên đáng kể bởi chúng ta có quá nhiều tài năng tranh đua quyết liệt giải quán quân vì VĐV hiểu rằng chiến thắng luôn đồng hành với túi tiền họ.

Lúc đó chính VĐV sẽ là người làm xã hội hóa chứ không phải các liên đoàn thể thao đang sống lây lất chờ được “bơm” tiền nhờ những kỳ tranh tài thể thao khu vực hay châu lục - giải đấu mà Nhà nước bỏ tiền làm tất cả.

Khi có giải thưởng cao, các VĐV sẽ đua tranh quyết liệt, cuộc tranh tài sẽ hấp dẫn hơn. Tôi tin chắc rằng khi ấy sân vận động hay nhà thi đấu sẽ đông kín khán giả. Chính điều này nên nhu cầu cần nhà thi đấu đẹp hơn, hiện đại hơn, có sức chứa lớn hơn sẽ nảy sinh. Lúc ấy chính người dân sẽ đòi hỏi nhu cầu được thấy thần tượng của họ đứng trên bục vinh quang ở ngay đất nước họ sinh ra và việc xin đăng cai Asiad vẫn chưa muộn.

TRẦN VĂN NGHĨA

“Nên lùi thời điểm đăng cai Asiad”

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao. Theo quan điểm của ông Minh, khi đăng cai một đại hội cần căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và thực trạng thể thao của quốc gia để giải quyết chứ không thể phiêu lưu.

Ông Minh nói: “Thời điểm hiện nay kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, ngành thể thao sau khi sáp nhập với văn hóa không còn như xưa. Đội ngũ lãnh đạo thể thao không đủ mạnh và liệu có thể tham mưu cho Chính phủ về các dự án lớn? Đội ngũ VĐV sau chương trình mục tiêu quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 2003 giờ tan rã cả. Cơ sở vật chất chuẩn bị cho SEA Games 2003 cũng đã xuống cấp, nếu đăng cai Asiad 2019 Nhà nước phải tiêu tốn rất nhiều tiền của để xây dựng lại. Điều quan trọng nhất khi đăng cai Asiad là để nâng tầm của thể thao VN, nhưng nếu có ngay lập tức bắt tay để xây dựng thì với 6-7 năm nữa cũng không thể kịp để ra lò một thế hệ VĐV thi đấu tại Asiad 2019. Trung bình một thế hệ VĐV phải mất 8-10 năm đào tạo để có thành tích, thế nhưng hiện nay chúng ta chỉ còn bảy năm mà chưa có gì trong tay, đó là điều còn đáng lo hơn số tiền để tổ chức Asiad. Do vậy nếu tổ chức Asiad mà không đạt được mục tiêu phát triển thể thao VN thì phải tính toán lại có nên tổ chức không”.

Ông Minh cũng đánh giá 150 triệu USD không thể tổ chức được Asiad: “Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG 3) do VN đăng cai năm 2009 dự trù một đằng nhưng thực tế chi phí đã tăng lên rất nhiều và vì thế đến thời điểm này có một số vẫn chưa quyết toán được. Làm sao chỉ tính xây một vài nhà thi đấu hết bao tiền rồi cộng lại, thế ai tính công tác tổ chức, mua trang thiết bị, chi phí khánh tiết, quan khách, giao thông đường sá?”.

Trong khi đó, ông Dương Nghiệp Chí - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho rằng đăng cai Asiad 2019 là xây nhà từ nóc. Ông Chí cho biết: “Theo tôi, đăng cai Asiad là việc đem lại hiệu quả không cao và tốn kém quá nhiều tiền của Nhà nước. Với tiềm lực kinh tế và tiềm lực thể thao VN hiện nay, chúng ta chỉ có thể đăng cai SEA Games là vừa sức chứ đăng cai Asiad lại thêm một lần nữa thể hiện việc xây nhà từ nóc. Việc quan trọng nhất của thể thao VN hiện nay là đào tạo VĐV trẻ nhưng người ta không làm, không có VĐV thì đăng cai Asiad để làm gì, chỉ là cách vung tiền lãng phí mà thôi”.

KH.XUÂN

TRẦN VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp