Pháo sáng được đốt đỏ rực trên khán đài - Ảnh: NAM KHÁNH
Hôm nay (23-4), ban kỷ luật LĐBĐVN (VFF) và BTC V-League 2019 của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ có cuộc họp xử lý vụ CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng.
Ban tổ chức trận đấu phản ứng quá chậm trễ
Đến hẹn lại lên, trong hàng chục mùa giải gần đây, chuyến làm khách nào của CLB Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy cũng đỏ rực pháo sáng. VPF biết, BTC trận đấu biết, nhưng cách họ xử lý tình huống lại rất thiếu chuyên nghiệp.
Dù là trận đấu "đinh" tại vòng 6 V-League nhưng hầu như toàn bộ lãnh đạo VFF, VPF không có mặt trên khán đài sân Hàng Đẫy tối 21-4. Trả lời Tuổi Trẻ về việc này, ông Trần Anh Tú, chủ tịch HĐQT VPF, cho biết theo lịch phân công, ông đang bận công việc tại TP.HCM. Ông Trần Mạnh Hùng, phó chủ tịch HĐQT VPF và là chủ tịch CLB Hải Phòng, bị ốm nên không đến sân được. Người có chức vụ cao nhất dự kiến có mặt trong trận đấu là ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký VFF. Nhưng đến phút cuối, mẹ vợ ông Hoài Anh bị ốm nặng nên ông cũng không thể đến sân.
Ngay khi trọng tài chuẩn bị thổi còi khai cuộc, vài chục quả pháo sáng đã được CĐV Hải Phòng đốt đỏ rực sân Hàng Đẫy. Sau đó, ở hiệp 1 và sang đến hiệp 2, nhiều thời điểm pháo được đốt đồng loạt hàng trăm quả, ném đầy xuống sân gây gián đoạn trận đấu nhưng lực lượng an ninh không kiểm soát và dập lửa kịp. Trong khi đó, trên loa phát thanh SVĐ Hàng Đẫy không có bất cứ thông báo nào của BTC trận đấu yêu cầu CĐV Hải Phòng dừng hành động đốt và ném pháo sáng xuống SVĐ gây uy hiếp an ninh an toàn trận đấu.
Ông Vũ Xuân Thành, trưởng ban kỷ luật VFF, cho biết ngồi trên khán đài A sân Hàng Đẫy ông có thể cảm nhận được phải có hàng thùng pháo sáng được CĐV Hải Phòng đưa vào SVĐ. "Bấy nhiêu pháo thì CĐV họ giấu vào đâu mà không phát hiện được" - ông Thành nói. Ông Trần Anh Tú cũng thừa nhận đây là lượng pháo sáng được đốt nhiều nhất trong một trận đấu mà ông chứng kiến. Ông Tú thừa nhận: "Chủ quan mà nói, tôi đánh giá lực lượng an ninh của trận đấu đã phản ứng không nhanh bằng những trận trước khi CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng".
Kỷ luật chỉ là ngọn của vấn đề
Ngày 22-4, ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đã có công văn khẩn gửi VFF, VPF yêu cầu làm rõ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy. Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thành cho biết việc xử lý kỷ luật là đương nhiên nhưng chắc chắn đây chỉ là ngọn của vấn đề. Nếu VFF, VPF không có giải pháp tận gốc thì CĐV Hải Phòng sẽ còn tiếp tục đốt pháo.
Ông Thành nói: "Việc ra án kỷ luật của ban chúng tôi chỉ là ngọn của vấn đề, quan trọng nhất là BTC giải, VFF phải tìm cách nhận diện được CĐV đốt pháo sáng để xử lý. Nếu không thì cứ "quýt làm cam chịu", phạt xong đâu lại vào đó vì người bị phạt đâu có đốt pháo, còn người đốt pháo thì không phạt được. Muốn tìm ra CĐV đốt pháo thì an ninh phải được tăng cường với lực lượng đủ mạnh".
Những mùa giải vừa qua, CLB Hải Phòng và CĐV đất cảng đã nhiều lần nhận án phạt vì hành vi đốt pháo sáng. Theo thống kê, riêng mùa giải 2018, CLB Hải Phòng đã bị VFF phạt hơn 300 triệu đồng vì CĐV đốt pháo sáng. Thậm chí có nhiều mùa giải, đội bóng Hải Phòng còn bị buộc đá trên sân không có khán giả vì CĐV đốt pháo sáng. Nhưng đáng nói, Hội CĐV Hải Phòng là hội hoạt động tự phát, không được thành lập chính thức và cũng không thuộc quyền quản lý của CLB bóng đá Hải Phòng. Vì thế có việc một số CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng và CLB bóng đá Hải Phòng phải nộp phạt.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Tú nói: "VPF sẽ có văn bản gửi VFF để VFF gửi đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Có thể nhờ Bộ Công an, Công an Hải Phòng phối hợp cùng với VFF, VPF để xử lý tận gốc vấn đề chứ VPF không đủ năng lực vì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình".
Vui nhưng đừng bất chấp luật pháp
Khó có thể tả xiết tình cảm của CĐV Hải Phòng vào cuối hiệp khi thủ môn Văn Toản phá được quả sút phạt đền của Omar (CLB Hà Nội). Lặn lội cả trăm cây số, phơi mình chịu đựng cơn mưa khá lớn trước giờ thi đấu, họ chỉ chờ đợi những khoảnh khắc như vậy để hò reo thỏa thích. Nhưng trong niềm vui ấy, pháo sáng, pháo khói đã được đốt trên khán đài và ném xuống sân. Khó có thể thống kê được hết lượng pháo đã đốt trước, trong và sau khi kết thúc trận Hà Nội - Hải Phòng vào tối 21-4.
Tối cùng ngày, clip pháo sáng lan tỏa chóng mặt trên các trang mạng xã hội. "Hoang dại", "thủy triều đỏ" là từ ngữ mà FOX Sports Asia đã mô tả về hình ảnh này: "Mọi thứ đã vượt quá tầm kiểm soát. CĐV Hải Phòng luôn được biết đến với sự cuồng nhiệt, mặt khác hành vi quá khích của họ đã phơi bày đầy đủ vào tối chủ nhật rồi".
Cảm xúc đã bị bóp nghẹt khi hàng ngàn người đối mặt với hiểm nguy khi pháo sáng được đốt vô tội vạ trên khán đài. Người xem ngồi chen chúc nhau nơi khán đài, chỉ cần một tàn lửa bén vào áo, quần, khăn choàng hay lá cờ... sẽ trở thành hiểm họa khó lường.
Không ai ngăn cấm CĐV bày tỏ tình yêu, sự phấn khích dành cho đội nhà. Nhưng thể hiện tình yêu một cách thái quá, bất chấp luật pháp, coi thường sức khỏe, tính mạng của những người cạnh bên mình thì rõ ràng là điều cần phải bị lên án, nghiêm trị.
Không một ai chấp nhận hành vi sử dụng pháo sáng một cách bừa bãi như vậy. CLB Hải Phòng từng phải nộp vào tài khoản của VFF (LĐBĐVN) hơn trăm triệu đồng với những án phạt do lỗi đốt pháo sáng của một bộ phận khán giả quá khích. Một, hai ngày tới chắc chắn sẽ có án phạt nghiêm khắc. Không loại trừ đội Hải Phòng, ngoài việc bị phạt tiền, sẽ phải thi đấu trên sân không khán giả vài trận. Ngoài CLB thiệt thòi, hàng ngàn CĐV chân chính khác bị tước đi quyền được xem, cổ vũ, hò reo trên sân Lạch Tray. Vì vậy cần mạnh tay trong việc xử lý "những con sâu làm rầu nồi canh" này.
SĨ HUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận