Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho biết trong nhiều năm qua, khoa bỏng - tạo hình thẩm mỹ tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường có những vết thương nhỏ tại một số vị trí trên cơ thể nhưng do chủ quan, tự điều trị nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ (58 tuổi, tiền căn đái tháo đường type 2) đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương trong tình trạng bị hoại tử ngón 1 chân trái do sơ ý đạp trúng đinh.
Trước đó bà không đi khám bệnh mà tự điều trị tại nhà nhưng không hết nên dẫn tới tình trạng này.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, cho rằng vết thương ở chân trái nhỏ nên bà nghĩ tự mua thuốc về uống như mọi khi sẽ hết.
Tuy nhiên bà không biết mình mắc bệnh đái tháo đường từ lúc nào vì bản thân không béo phì, không thèm ngọt, ăn ít cơm, ngoài cảm giác hay bị mệt khi làm việc.
Bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - trưởng khoa bỏng - tạo hình thẩm mỹ - cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ, ngón 1 chân trái hoại tử đen, tiết dịch hôi, có nhiều ấu trùng ruồi xung quanh vết thương. Bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 và chưa điều trị.
Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đánh giá tình trạng hoại tử nặng, nguy cơ cao phải cắt bỏ 1/2 bàn chân trái hoặc nhiều hơn.
Nhưng với mong muốn của bệnh nhân là giữ lại tối đa bàn chân nên các bác sĩ quyết định điều trị theo hướng bảo tồn tối đa bàn chân cho bệnh nhân.
Bác sĩ Ngô Phạm Gia Huy - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân - chia sẻ đây là một trường hợp rất khó khăn trong điều trị khi tình trạng hoại tử nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn khó kiểm soát dù đã được điều trị tích cực và cắt lọc triệt để mô hoại tử sau mỗi lần phẫu thuật.
Tuy nhiên quá trình điều trị cũng ảnh hưởng một phần do hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất khó khăn. Các bác sĩ buộc phải cân nhắc lựa chọn những biện pháp điều trị tại chỗ phù hợp.
Sau khoảng hơn 3 tháng điều trị bảo tồn tối đa bàn chân, bệnh nhân được xuất viện. Tuy bàn chân không còn lành lặn như trước nhưng vẫn có thể đi lại được bằng chính đôi chân của mình.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo: có khoảng 50% số người mắc đái tháo đường bị tổn thương thần kinh. Tổn thương này có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trong cơ thể, nhưng phần lớn xuất hiện ở hai bàn chân.
Do đó khi có vết thương ở vùng bàn chân, nếu tự đánh giá sai về tình trạng vết thương, người bệnh có thể gặp những hậu quả đáng tiếc như bị hoại tử lan rộng toàn bộ bàn chân hay nghiêm trọng hơn là bị nhiễm trùng huyết.
Để tránh điều này, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau: vùng da ở bàn chân thay đổi màu sắc, sưng nề vùng bàn chân, thay đổi nhiệt độ vùng bàn chân, nốt sần/chai vùng bàn chân, cảm giác đau hoặc châm chích ở bàn chân/mắt cá chân, móng quặm, nhiễm nấm vùng bàn chân, khô, nứt nẻ da bàn chân, dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, vết thương chảy dịch).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận