Săn hàng giá rẻ trên mạng là thói quen của nhiều người - Ảnh: H.Khoa |
Tuy vậy, vẫn có không ít trường hợp người tiêu dùng cảm giác bị lừa sau khi sử dụng dịch vụ mà deal (mua hàng theo nhóm) cung cấp.
Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng nâng giá rồi bán giảm giá hoặc nhiều món hàng được quảng cáo giá rẻ nhưng thực tế chất lượng cũng “bèo nhèo”, chưa kể không rẻ hơn so với giá chợ. Có tham gia việc mua bán online mới thấy mua deal giá sốc cũng rất dễ... bị sốc!
Deal hay bán “điêu”!
Không nên xem giá rẻ là trên hết Theo các chuyên gia, cần xem các trang bán hàng theo nhóm là yếu tố tiện lợi, mang đến tận nhà chứ không nên đặt vào giá rẻ. Vì đã kinh doanh thì ai cũng muốn có lời, mà hàng giá rẻ thì khó có chất lượng tốt. Nhiều doanh nghiệp chỉ xem đây là một kênh xả hàng, đánh vào tâm lý giá rẻ của người tiêu dùng. Vì vậy đối với hàng hóa sản phẩm khi quảng cáo rẻ, giảm giá sâu, người mua cần cân nhắc hoặc phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận sản phẩm không tốt như mong đợi. Với một vài dịch vụ làm đẹp như spa, chăm sóc da, cắt tóc... phần lớn nhà cung cấp đều xem như là một cách quảng cáo, tiếp thị cho nhiều người biết đến nên khá tôn trọng khách hàng mới. Riêng với dịch vụ nha khoa, người mua cần cẩn trọng. Thực tế có những deal nha khoa rất rẻ chưa tới 200.000 đồng, nhưng khi khách đến phòng khám thường bị phát sinh chi phí. |
Là một người mẹ bận rộn, chị Kim Hương (Q.1, TP.HCM) thường mua hàng online, đặc biệt là săn các deal giá rẻ trên các trang web bán hàng theo hình thức mua chung theo nhóm.
“Trên những website này có hằng hà sa số sản phẩm từ gia dụng, thời trang, thực phẩm, tour du lịch, khách sạn, spa làm đẹp... tha hồ lựa chọn. Mỗi sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu với giá hấp dẫn, giảm 30-90% so với giá gốc. Đăng ký mua qua mạng sẽ có nhân viên mang phiếu hoặc sản phẩm giao tận tay, sau đó tôi mang phiếu đến địa chỉ nhà cung cấp nhận sản phẩm, dịch vụ” - chị Hương cho biết.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những món hàng cũng đúng như quảng cáo. Vừa rồi, thấy một deal hấp dẫn: chả hoa Năm Thụy - giá gốc 170.000 đồng, giảm 40% còn 102.000 đồng một cây chả 500g.
Đặt hàng, nhận phiếu, chị Kim Hương đến địa chỉ được cung cấp để mua hàng thì nhìn thấy tấm biển treo ngoài cửa: chả hoa, chả con cá, chả patê 105.000 đồng/500g!
Chưa mất lòng tin vào deal giá sốc, chị lại mua phiếu ăn buffet giá rẻ: gala buffet Nguyễn Trãi giá gốc 215.000 đồng, giảm 35% còn 140.000 đồng.
“Hình ảnh nhà hàng, món ăn quá đẹp mà giá lại hấp dẫn, có gần 2.000 người bị thuyết phục mua deal giống như tôi. Đến ngày đi ăn cùng gia đình, tôi mới biết giá vé buffet chỉ có 165.000 đồng/người” - chị Hương nói.
Trường hợp của chị Ân Huỳnh (TP.HCM) còn ấm ức hơn. Với sở thích nấu nướng, chị Ân Huỳnh đã chọn mua voucher combo 1,3kg tôm crawfish (tôm hùm đất) chế biến tại nhà trên trang hotdeal, nhưng sau khi đi lấy hàng về chị Ân Huỳnh đã thất vọng vô cùng.
Theo thông tin trên website, voucher được quảng cáo “Combo 1,3kg tôm crawfish tươi kèm bắp, khoai tây, gia vị chế biến tại nhà, voucher 750.000 đồng còn 215.000 đồng, giảm 71%!”.
Thực tế, số nguyên liệu chị Ân Huỳnh nhận được là 0,5kg tôm, 4 củ hành, 5 củ khoai tây, 2 trái bắp Mỹ và một ít gia vị.
Trong khi giá loại tôm này được bán tại cửa hàng, theo chị Huỳnh tìm hiểu chỉ có 320.000 đồng/kg. Nhân viên cửa hàng cho biết combo này nếu mua tại tiệm giá chưa đến 200.000 đồng.
“Tôi gọi lên công ty đòi trả voucher thì họ bảo nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng, công ty sẽ thu lại deal nhưng trừ 50% phí” - chị Ân Huỳnh nói.
Chớ ham rẻ
Ông NGUYỄN NGỌC DŨNG (trưởng văn phòng phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử VN):
Không có hàng “ngon, bổ, rẻ” Thị trường mua hàng theo nhóm đang có những thay đổi về hình thức kinh doanh. Bùng phát vào năm 2010 và nhanh chóng sàng lọc, từ gần 100 trang web đến nay thị trường này chỉ còn hơn 10 trang web. Mô hình kinh doanh của những công ty này cũng đang có nhiều thay đổi từ đơn thuần bán voucher chuyển sang bán các sản phẩm hàng hóa như một doanh nghiệp bán lẻ. Với cách thức đó, người tiêu dùng khó có thể đòi hỏi những sản phẩm ngon, bổ, rẻ trên các trang web bán hàng theo nhóm như trước đây. Đã có không ít trường hợp bị đối xử dù có cam kết từ bên thứ ba, doanh nghiệp bán một lượng lớn phiếu khuyến mãi nhưng phục vụ không xuể khiến nhiều khách hàng không hài lòng... Những trường hợp này khách cần lường trước và cần đọc kỹ các điều kiện sử dụng trước khi mua. |
Bất ngờ hơn sau khi chị phản ảnh lên mạng xã hội, đại diện của công ty bán hàng vào giải thích voucher trên áp dụng cho trọng lượng là 1,3kg bao gồm: tôm, các củ quả kèm theo, gia vị nên có thể cách trình bày của công ty làm chị hiểu lầm.
Tuy nhiên, chị Ân Huỳnh cho rằng cách giải thích này càng vô lý, khó chấp nhận được vì giá tôm crawfish chỉ có 320.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm đó, hotdeal cũng bán một voucher tương tự, cũng của chính nhà cung cấp đó bao gồm: 0,5kg tôm + gia vị (không có khoai, hành và bắp) trị giá chỉ có 280.000 đồng.
Nếu so sánh với voucher 750.000 đồng như đã đề cập ở trên (chưa giảm giá), tính ra mấy củ khoai, hành, bắp có giá 470.000 đồng?
“Nếu hotdeal nói do cách trình bày làm người mua hiểu lầm nghĩa là thuộc lỗi về mình, tại sao không thu deal lại để tạo lòng tin cho khách?” - một người mua chia sẻ.
Mua hàng theo nhóm là hình thức giao dịch thương mại điện tử giúp doanh nghiệp bán hàng nhanh, đỡ mất chi phí quảng cáo, còn người tiêu dùng được giảm giá.
Đặc điểm của những trang này là chụp hình rất đẹp, giá lại rẻ nên rất dễ thuyết phục người mua. Không ít người tiêu dùng đã bị bật ngửa vì chất lượng quá xa so với quảng cáo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh - từng tham gia kinh doanh bán hàng theo nhóm, phần lớn công ty đều có quy trình kiểm tra chất lượng dịch vụ nhà cung cấp thông qua bộ phận mua.
Tuy nhiên, với hàng trăm mặt hàng, dịch vụ trong khi đội ngũ mua hàng mỗi công ty chỉ vài người thì dù có chuyên nghiệp đến đâu công ty cũng khó kiểm soát được chất lượng.
“Chưa kể hàng mẫu đưa ra lúc chào mời ký hợp đồng và hàng có thực trong kho để bán cho người tiêu dùng có khác nhau thế nào thì nhân viên thu mua cũng không tài nào biết được” - ông Linh nói.
Ông Linh cho biết đối với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhu cầu khách hàng mua voucher vẫn còn và dịch vụ đã tốt hơn so với trước đây, ngành này luôn có số lượng mua deal áp đảo nhất, chiếm trên 70%. Nhưng đây cũng là ngành dịch vụ mà các công ty khó kiểm soát chất lượng nhất.
Lúc ký hợp đồng, nhà cung cấp có thể chào mời những sản phẩm rất bắt mắt, chất lượng nhưng khi khách đem phiếu đến nhà hàng thì chất lượng phục vụ thế nào chỉ có nhà hàng và khách mới biết được.
Tuy nhiên, đến nay các deal ẩm thực, nhà hàng vẫn được xem là thành công nhất vì phần lớn nhà cung cấp đều xem đây là kênh quảng cáo, tiếp thị hữu hiệu.
Khi bán ra một voucher, khách đến cùng bạn bè, gia đình và giới thiệu với người khác nên độ lan tỏa rất cao nếu phục vụ chu đáo.
Chỉ nên mua món hàng giá trị nhỏ
Tuy nhiên, những người từng sử dụng các deal trên những trang bán hàng mua chung đều cho biết không chỉ trong ngành hàng ẩm thực, các sản phẩm dịch vụ cũng bị thổi giá cao ngất ngưởng rồi giảm khủng.
Anh Quang Tuyến, nhân viên công ty về vận tải, cho biết có mua một vé đi câu cá ở Phú Quốc, phía hotdeal ghi là giảm 30% rồi mới có giá 250.000 đồng, nhưng khi ra Phú Quốc anh mới phát hiện giá các công ty du lịch bán chỉ có 200.000 đồng/khách.
Ngay cả những sản phẩm thời trang, vốn là thế mạnh của các nhà kinh doanh, người tiêu dùng cũng lắc đầu ngao ngán. Chị Thu Lý (Q.Gò Vấp) kể câu chuyện của mình khi mua hàng thời trang trên trang web bán hàng mua chung:
“Tôi đăng ký mua một áo đầm xòe trên trang nhanhmua.vn với giá 155.000 đồng, giá gốc 300.000 đồng. Ba ngày sau, tôi nhận được một chiếc đầm may lỗi, nhăn nhúm, vạt trái dài hơn vạt phải. Mang đầm đến địa chỉ của công ty để trả, đón tôi là hai cô nhân viên mặt mày quạu quọ: “Kiểu nó may vậy đó. Tại bụng chị không nhỏ như người mẫu trong hình nên mặc lên không phẳng”!
Khi tôi vạch đường may, chỉ cho cô ấy xem một túm vải may nhíu vào nhau thì cô ấy bảo: “Giờ chị đổi sản phẩm khác đi, chứ đã mua rồi không trả lại tiền”. Xem hết cả khu trưng bày sản phẩm, tôi không chọn được chiếc áo nào. Cái nào cũng bị lỗi gì đó, hỏi: “Mẫu này còn sản phẩm khác không?” thì chỉ nhận được cái lắc đầu: Hết hàng rồi chị!”.
“Tôi ở TP.HCM, không vừa ý thì mang đến tận công ty để đổi sản phẩm. Còn những khách hàng ở tỉnh (số này rất nhiều - hiển thị rõ trên trang web), khi nhận được sản phẩm hoàn toàn không giống như hình ảnh thì đành chịu chứ chẳng thể làm gì! Có người bức xúc, vào trang bình luận: Nhận hàng 10 cái thì chẳng cái nào giống như hình ảnh cả. Không thấy tận mắt thì thôi, không mua nữa!” - chị Lý nói.
Yếu tố tiên quyết để giữ chân khách hàng là giá rẻ, nhưng vì giá quá rẻ nên dẫn đến chất lượng không tương xứng.
Ông Đinh Thanh Liêm, từng hoạt động trong môi trường thương mại điện tử, cho biết tâm lý của người mua hàng online là chỉ sẵn sàng chi trả cho những món hàng dưới 200.000 đồng, nếu lớn hơn là rất hiếm vì họ không tin nhiều vào dịch vụ mua hàng qua mạng.
“Gần 80% các giao dịch mua hàng theo nhóm là dưới 200.000 đồng, có một tỉ lệ nhỏ chấp nhận mua hàng trị giá lớn hơn” - ông Liêm nhận xét.
[poll width="400px" height="300px"]26[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận