29/04/2018 15:21 GMT+7

Cần trọng dụng, không cần ưu đãi

ÁI NHÂN - N.BÌNH - GIA MINH
ÁI NHÂN - N.BÌNH - GIA MINH

TTO - Đất nước 43 năm sau ngày thống nhất đã thay da đổi thịt. Trong đó có một phần đóng góp của bà con kiều bào, ở rất nhiều lĩnh vực. Cùng Tuổi Trẻ lắng nghe tâm tư và chia sẻ của họ trong những ngày tháng 4 lịch sử này.

Cần trọng dụng, không cần ưu đãi - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi gặp mặt kiều bào dịp Tết 2018 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Lòng tin vững chắc hơn

* Vũ Thành Đăng (kiều bào Singapore):

Đẩy mạnh cải cách thủ tục

vo-thanh-dang-3(read-only)

Doanh nhân Vũ Thành Đăng

Thời gian qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ sinh sống, kinh doanh ở Việt Nam ngày càng cởi mở và thuận lợi. Thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan cũng rất dễ dàng.

Khi chúng tôi gặp các rắc rối về thủ tục kinh doanh, xuất nhập khẩu... thì luôn được hỗ trợ tháo gỡ.

Chúng tôi nhận thấy nhiều ý kiến góp ý về chính sách, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, phát triển kinh doanh... thời gian qua của chúng tôi được tích cực tiếp thu, thay đổi.

Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo TP cũng như Chính phủ cùng nhiều cơ quan chức năng khác đã thể hiện tinh thần cầu thị hơn.

Tuy nhiên mức độ thay đổi, tháo gỡ một số chính sách tại các lĩnh vực, địa phương vẫn chưa như mong muốn.

Để tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nhân kiều bào thì TP.HCM nói riêng và Chính phủ cần sớm số hóa để thực hiện nhanh nhất các thủ tục như đăng ký kinh doanh, khai báo thuế...

Ví dụ ở Singapore, chỉ cần doanh nghiệp đóng tiền xong thì 5 phút sau là được cấp giấy phép kinh doanh.

Hoặc tôi có thể đăng ký thay đổi địa điểm kinh doanh, cư trú với bất cứ đơn vị nào như điện lực, bưu chính thì ngay lập tức thông tin thay đổi sẽ tự động cập nhật cho tất cả các cơ quan liên quan.

Đồng thời, để môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi Chính phủ cũng cần cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong thời gian tới.

* TS Nguyễn Thanh Mỹ ( Canada, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài):

Tạo môi trường cho kiều bào đóng góp

hinhthanhmy21-3(read-only)

TS Nguyễn Thanh Mỹ

Kiều bào về quê đầu tư trước đây cũng nhiều băn khoăn, đặc biệt về môi trường kinh doanh, pháp lý.

Nhưng đó là câu chuyện của trước đây. Hiện nay, từ những buổi sinh hoạt của hiệp hội kiều bào ở nước ngoài, tôi nhận thấy lòng tin của kiều bào tốt lắm, mọi người không ngần ngại nữa, họ muốn đầu tư nhiều hơn.

Trong các buổi tiếp xúc, chúng tôi đều nhắn nhủ kiều bào không chỉ rót vào bất động sản mà còn vào sản xuất, công nghệ cao, đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển các lợi thế của đất nước.

Tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nhân Việt kiều có tên tuổi ở những nước họ đang sinh sống và họ đều có chung một mong ước là sẽ mở rộng đầu tư về Việt Nam.

Trí thức, kiều bào là những người có trình độ cao, muốn mời họ về đóng góp thì phải cho họ môi trường phát triển. Nếu như Việt Nam là nước mặn, thế giới ngoài kia là nước ngọt thì mình phải tạo được môi trường nước lợ để hai bên cùng làm việc chung.

Hiện chúng tôi đang mạnh dạn mở rộng hoạt động mạng lưới kiều bào, xây dựng lớp Việt kiều kế cận, trẻ trung hơn, mới hơn, hiện đại hơn. Hội doanh nhân kiều bào vì thế sẽ không chỉ có doanh nhân mà còn có những trí thức ở nước ngoài, người trẻ tài giỏi.

Cần thực chất, không hô khẩu hiệu

* Doanh nhân Nguyễn Như Khuê (Việt kiều Đức):

Cần "môi trường sạch"

nguyen-nhu-khue-3(read-only)

Doanh nhân Nguyễn Như Khuê

Tôi có nhiều bạn bè là người Việt ở khắp thế giới. Ở đâu chúng tôi cũng có chung sự đồng cảm, đó là dù đi đâu, làm gì, trong trái tim vẫn luôn nhớ mình là người Việt, vẫn luôn khát khao hướng về Tổ quốc, hướng về phần máu thịt không gì chia cắt được ấy.

Chúng tôi trở về hầu hết với tâm thế của người đi xa, mang tất cả vốn liếng, tri thức, kinh nghiệm và khát khao cống hiến nhằm xây dựng, đóng góp cho Tổ quốc của mình.

Khi trở về, chúng tôi có rất nhiều trăn trở. Có những điều bằng kinh nghiệm, kiến thức và tình yêu của mình, chúng tôi thấy rõ là có cái chưa ổn, mong muốn đóng góp để thay đổi.

Nhưng sự ghi nhận, lắng nghe để điều chỉnh hay không từ phía những người có trách nhiệm là một vấn đề cần được xem xét chứ không nên kêu gọi, nói như hô khẩu hiệu.

Có rất nhiều lời kêu gọi về chính sách ưu đãi, về việc "trải thảm" để chào đón Việt kiều trở về, đầu tư cả chất xám, nguồn lực vật chất... Chúng tôi nghĩ không cần những điều đó.

Điều chúng tôi cần thực sự là hãy coi Việt kiều như người Việt bình thường khác, đối xử với chúng tôi công bằng, tạo môi trường tốt cho chúng tôi phát huy, đóng góp được hết khả năng của mình.

Chúng tôi cần "môi trường sạch" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Môi trường sống cần tích cực, trong lành và tin cậy. Điều đó không chỉ giúp các Việt kiều hồi hương, mà còn là động lực thúc đẩy cả xã hội Việt Nam phát triển.

* Ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật):

Trí thức cần trân trọng hơn lời kêu gọi

nguyen-tri-dungdd-3(read-only)

Ông Nguyễn Trí Dũng

Chính sách ưu đãi để kiều bào trở về đóng góp cũng nên được quan tâm, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Cái chính cần xem lại là trí thức Việt kiều đã được thực sự trân trọng hay chưa.

Thông qua việc trao bằng khen cho những người có đóng góp khi trở về, sẽ thấy được chúng ta thực sự trọng dụng những gì.

Người đóng góp tiền bạc được vinh danh thế nào, còn những người trí thức, đóng góp chất xám, trí tuệ và tâm huyết đã được tôn vinh, trọng dụng chất xám, trí tuệ đó ra sao...

Đây là vấn đề mà có lẽ bất kỳ người Việt Nam nào cũng rất trăn trở.

Do nhu cầu xã hội hiện nay, những ý tưởng kinh doanh dịch vụ tạo ra kết quả trực tiếp ngắn hạn được chú trọng hơn rất nhiều so với đóng góp chất xám khoa học công nghệ.

Hầu hết những dự án kêu gọi đầu tư của các tỉnh, thành phố tập trung vào các khu công nghiệp trên cơ sở có đất, có lao động giá rẻ, làm gia công giản đơn thì làm sao phát triển?

Chúng ta đang thiếu chính sách phát triển chú trọng vào chất xám, tạo ra giá trị xã hội chứ không đơn thuần tạo ra lợi nhuận trước mắt. Gần đây đang bắt đầu có quan tâm nhiều hơn về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thực sự cụ thể, chưa là nguồn động lực.

Người Việt trong và ngoài nước có trái tim, khối óc, trí tuệ để phát huy được hay không, đó là một câu hỏi không của riêng ai mà người có trách nhiệm cần trăn trở. Chúng ta rất cần người tổ chức để phát huy được chất xám, trí tuệ của người Việt trong và ngoài nước chứ không thể chỉ có lời kêu gọi hô hào suông như trong nhiều năm qua.

* Ông Trần Hòa Phương (phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM):

Chính sách đã mở nhiều

tran-hoa-phuong-3(read-only)

Ông Trần Hòa Phương

Hiện kiều bào của Việt Nam vào khoảng 5 triệu người, sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay các quy định, chính sách đối với kiều bào đã ngày càng mở, tạo điều kiện cho kiều bào tham gia đóng góp phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Như về quốc tịch, Luật quốc tịch Việt Nam công nhận nguyên tắc một quốc tịch nhưng nay sửa đổi, cho phép Việt kiều giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép hoặc định cư ở nước ngoài, chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, theo quy định tại điều 11 của Luật quốc tịch thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.

Như vậy, hiện nay kiều bào ở nước ngoài, trở về nước làm ăn, sinh sống rất thuận lợi trong vấn đề quốc tịch.

Hiện chính sách đã mở rộng rất nhiều, kiều bào được sở hữu nhà với số lượng không hạn chế. Các thủ tục liên quan mua nhà, đi lại, đăng ký cư trú... cũng dễ dàng hơn. Đó là những cải thiện rất đáng ghi nhận.

ÁI NHÂN - N.BÌNH - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp