01/06/2016 10:56 GMT+7

Cần trên 75 ngàn tỉ đồng giải quyết sân bay Nội Bài quá tải

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện nay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang đối mặt nguy cơ quá tải trong ba năm tới do lượng khách tăng trưởng nhanh.

Phần mở rộng CHK QT Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch sẽ được thực hiện ở phần đất đối diện nhà ga T1 và T2 hiện nay - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Phần mở rộng CHK QT Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch sẽ được thực hiện ở phần đất đối diện nhà ga T1 và T2 hiện nay - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài - Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2008, tổng công suất của nhà ga hành khách Nội Bài đạt 20-25 triệu hành khách/năm. Sau năm 2020 xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 (hoặc T3 và T4), nâng tổng công suất của CHKQT Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm.

Trong khi từ năm 2008 đến nay chỉ có nhà ga T2 được giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng. Còn việc mở rộng Nội Bài trong thời gian tới đối mặt với việc GPMB, nguồn vốn rất khó khăn.

Sẽ quá tải trong 3 năm tới

Việc quá tải sẽ diễn ở nhiều yếu tố: 

CHKQT Nội Bài hiện nay có hai đường cất hạ cánh (CHC) nhưng do kế thừa đường CHC từ sân bay quân sự được xây dựng từ nhiều năm trước có khoảng cách giữa hai tim đường CHC không đảm bảo khai thác độc lập cùng lúc hai máy bay hạ hoặc cất cánh cùng lúc.

Nội Bài có nhà ga hành khách quốc nội (T1) hoạt động từ tháng 10-2001 với thiết kế ban đầu gồm 4 khu vực (sảnh A, B, C, D), công suất phục vụ 6 triệu hành khách/năm. Đến cuối năm 2013, sảnh E (phần mở rộng của nhà ga T1) có công suất 3 triệu khách/năm được đưa vào sử dụng, nâng công suất phục vụ của nhà ga T1 lên 9 triệu khách/năm. Tuy nhiên tại thời điểm đó Cảng HKQT Nội Bài đã phục vụ hơn 12,8 triệu lượt hành khách.

Đến ngày 25-12-2014, nhà ga hành khách T2 được đưa vào khai thác với tổng diện tích mặt bằng 139.216 m2, công suất phục vụ 10 triệu hành khách/năm (sẽ mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2).

Như vậy đến thời điểm này, CHKQT Nội Bài có công suất phục vụ 19 triệu khách/ năm. Thống kê của CHKQT Nội Bài trong năm 2015 CHK này đã đạt 17.213.715 lượt hành khách, tăng 21,3%.

Trả lời trên báo điện tử Chính phủ ngày 30-5, cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết trong bốn tháng đầu năm 2016, hành khách qua CHKQT Nội Bài đã tăng 31%, dự kiến năm 2016 lượng khách qua Nội Bài khoảng 19 triệu lượt.

Ông Thanh tính toán với tốc độ tăng trung bình mỗi năm từ 2-2,5 triệu lượt khách thì khoảng 3 năm nữa Nội Bài lâm vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất hiện nay. Cho nên kế hoạch mở rộng, nâng công suất của sân bay Nội Bài là việc cấp bách.

Khó khăn giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ?

Báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch thực hiện mở quy hoạch CHKQT Nội Bài vào đầu năm 2016, Cục Hàng không cho biết: theo quy hoạch CHKQT Nội Bài được duyệt, giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng đường CHC số 3 về phía Nam của cảng cùng hệ thống nhà ga hành khách T3, T4 để nâng công suất đạt 50 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên qua nghiên cứu, phương án này gặp nhiều khó khăn, kinh phí GPMB quá lớn, ước tính khoảng 75.987 tỉ đồng. Chi phí lớn là do việc GPMB ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội rất khó khăn. Ngoài việc đền bù còn phải quy hoạch khu tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, còn phải di chuyển các di tích lịch sử chùa, miếu có từ lâu đời và nhiều nghĩa trang của địa phương.

Các khó khăn về GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, với năng lực thông qua cảng là 50 triệu hành khách/năm sẽ gây áp lực lớn lên đường Võ Văn Kiệt (trước nhà ga T1, T2 hiện nay)… Phương án này cần diện tích 720ha thuộc 3 xã: Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn.

Để tránh phương án bồi thường, GPMB quá nhiều, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh quy hoạch CHKQT Nội Bài theo định hướng nghiên cứu xây dựng đường CHC số 3 về phía Bắc của CHK hiện tại.

Với phương án này, Cục Hàng không tính toán phần diện tích GPMB chủ yếu là đất quân sự và đất nông nghiệp nên ước tính chi phí đầu tư thực hiện quy hoạch còn khoảng 38.802 tỉ đồng, bằng một nửa so với phương án quy hoạch được duyệt.

Chi phí GPMB ước tính sẽ giảm từ 40.790 tỉ đồng xuống 11.042 tỉ đồng; chi phí khác và dự phòng (25%) giảm từ 15.197 tỉ đồng còn 7.760 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa chấp thuận phương án trên. Bởi vì phương án mở rộng CHK Nội Bài về phía Nam theo quy hoạch từ năm 2008 vẫn là phương án đảm bảo căn cơ cho sự phát triển về lâu dài hơn.

Mở rộng về phía Bắc trước sẽ phải thay đổi quy mô các công trình hạ tầng của CHK nhiều hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-5, ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết đề xuất trên của Cục Hàng không là biện pháp tình thế trong giai đoạn chưa có đủ tiền triển khai mở rộng Nội Bài một cách rộng lớn theo quy hoạch đã duyệt.

Hiện tại Bộ GTVT đang giao Tổng công ty CHK Việt Nam thuê tư vấn xem xét, đánh giá cụ thể các phương án.

Với phương án mở rộng CHK Nội Bài về phía Nam, ông Cường cho biết theo phương án này đường Võ Văn Kiệt sẽ nằm giữa sân bay.

Đường CHC số 3 và nhà ga T3, T4 sẽ đối diện nhà ga T1, T2 qua đường Võ Văn Kiệt. Việc kết nối các nhà ga không quá khó khăn vì các nhà ga không nằm quá xa nhau. Phương án kết nối các nhà ga sẽ được nghiên cứu cụ thể.

Trong khi chờ mở rộng CHK Nội Bài, ông Cường cho biết phương án trước mắt là tính toán nâng cấp nhà ga T1 trước để đạt 15 triệu khách/ năm và nâng cấp nhà ga T2 lên 15 triệu khách/ năm trong lúc có những bước chuẩn bị để mở rộng CHK đúng quy hoạch.

Tiến độ mở rộng CHK Nội Bài cụ thể sẽ chờ tư vấn tính toán cụ thể tương ứng với thời điểm phát triển. Nhưng theo ông Cường, nguồn vốn đầu tư cho mở rộng Nội Bài rất lớn, GPMB lại khó khăn đang là trở ngại lớn nhất.

Hiện nay, Cục Hàng không đang tiến hành lấy ý kiến các địa phương, bộ ngành về việc mở rộng CHK Nội Bài theo quy hoạch. Sau đó sẽ xây dựng kết hoạch chi tiết báo cáo Chính phủ.

Theo phương án điều chỉnh quy hoạch CHK Nội Bài của Cục Hàng không, ngoài thực hiện quy hoạch mở rộng CHK này về phía Nam để có công suất 50-60 triệu khách vào năm 2030, đến năm 2050 sẽ mở rộng Nội Bài về phía Bắc để đạt công suất 100 triệu lượt hành khách/năm.

Nguồn vốn thực hiện sẽ gồm nguồn vốn Nhà nước để xây dựng khu bay, GPMB, tái định cư, trụ sở cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại là vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động khác.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp