22/06/2020 10:17 GMT+7

Cần tìm hiểu kỹ năng sinh tồn khi chạy trail

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Bên cạnh các giải marathon trên đường phố (road), trail marathon (đường mòn) là thử thách thú vị, thách thức đối với những người đam mê chạy bộ. Để cuộc đua an toàn, VĐV phải chuẩn bị chu đáo về chuyên môn và cả kỹ năng sinh tồn.

Cần tìm hiểu kỹ năng sinh tồn khi chạy trail - Ảnh 1.

Nguyễn Tiến Hùng - nhà vô địch cự ly 100km tại Dalat Ultra Trail diễn ra ngày 20-6-2020 tại Lâm Đồng - Ảnh: Dalat Ultra Trail

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu kinh nghiệm khi chạy trail của hai VĐV phong trào hàng đầu Việt Nam là anh Nguyễn Tiến Hùng và chị Nguyễn Thị Đường.

Anh Nguyễn Tiến Hùng là nhà vô địch cự ly 100km tại Dalat Ultra Trail 2020 với thời gian 14 giờ 22 phút. Anh Hùng cũng là nhà vô địch cự ly 100km tại Vietnam Mountain Marathon (VMM) tại Sa Pa trong 2 năm liên tiếp 2018-2019.

Chị Nguyễn Thị Đường là nhà vô địch cự ly 70km tại Vietnam Trail Marathon 2020 ở Mộc Châu (Sơn La), vô địch 70km tại Vietnam Jungle Marathon 2018 ở Pù Luông (Thanh Hóa). Trên đường chạy 100km, Nguyễn Thị Đường từng về thứ 3 tại Vietnam Mountain Marathon 2017. 

Tại Dalat Ultra Trail 2020 diễn ra hôm 20-6, chị Đường tham dự cự ly 100km.

Anh Nguyễn Tiến Hùng: "Chỉ thoáng lơ là, tai nạn có thể xảy ra"

Dù là VĐV chuyên nghiệp hay phong trào thì chuẩn bị là điều quan trọng nhất khi thi đấu. Sự chuẩn bị giúp bạn có sức khỏe tốt, tinh thần tốt và có trải nghiệm cho một cuộc đua tốt đẹp, an toàn hơn. 

Việc chuẩn bị có thể từ tập luyện chăm chỉ, tìm những địa điểm tương tự để làm quen về địa hình, nhiệt độ, cách sử dụng các vật dụng có thể dùng cho những cuộc đua. Hoặc bạn có thể dùng thử dinh dưỡng như bạn có ý định dùng trong cuộc đua để cơ thể làm quen.

Khi tham gia các giải chạy địa hình, việc rất quan trọng là bạn nên tìm hiểu về kỹ năng sinh tồn, cách đối phó những tình huống có thể xảy ra để chủ động hơn trong thực tế mình gặp phải. 

Tuy có những tình huống xảy ra không lường trước được nhưng nếu tinh thần tốt, tìm hiểu về đặc tính thời tiết vùng miền thì chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt, an toàn cho cá nhân cũng như cho người xung quanh khi gặp những tình huống khó khăn.

Là người tham gia chạy 100km tại Dalat Ultra Trail - cự ly khắc nghiệt, đối mặt với nhiều thử thách trên đường chạy, bản thân tôi luôn cố gắng kiểm soát những tình huống có thể xảy ra. 

Đà Lạt đang vào mùa mưa, thổ nhưỡng đất đỏ bazan trơn và sình lầy, kèm theo nhiều con dốc nối tiếp nhau sẽ bào mòn sức của VĐV. 

Cũng do may mắn là người dẫn đầu cuộc đua nên đường chạy của tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Ngoài ra, khi chạy trong đêm ở rừng lạnh thì việc duy trì chạy liên tục sẽ giúp giữ ấm cơ thể.

Thời điểm khi tôi chạy qua các con suối thì trời chưa mưa nên tôi không gặp khó khăn nào, suối ở đây cũng rất mát. Đoạn VĐV phải đu dây lên Lang Biang là thử thách đòi hỏi mọi người phải có sức khỏe, quyết tâm. VĐV không được phép lơ là vì chỉ thoáng lơ là, tai nạn có thể xảy ra.

Cần tìm hiểu kỹ năng sinh tồn khi chạy trail - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Đường tham dự một giải siêu marathon đường mòn tại Việt Nam - Ảnh: FBNV

Chị Nguyễn Thị Đường: Không đi một mình ở những đoạn nguy hiểm

Để có thể tham dự các cự ly siêu marathon 70-100km, người chơi nên có quá trình tập luyện, tích lũy thể lực đầy đủ. 

Ví dụ nếu muốn chạy 100km thì trước đó bạn nên từng hoàn thành cuộc đua 70km, hoặc trong buổi tập có thể bạn đã từng chạy đến 80km. Nếu bạn mới chạy được 30-40km mà đi thi 100km, khả năng không hoàn thành vì chấn thương, kiệt sức, gặp các sự cố khác… là rất lớn.

Để tham dự giải 100km, tôi thường phải chuẩn bị từ 3 đến 5 tháng. Ngoài tập luyện đủ khối lượng, tôi phải triển khai các bài tập bổ trợ cho tay, cổ chân, các bài chạy dốc, leo cầu thang, chạy địa hình thực tế… 

Trước khi tham dự giải tôi có tập chạy đêm để thích nghi với thời gian thực mà giải đấu xuất phát. Các buổi chạy đêm của tôi thường bắt đầu từ 22h và kéo dài liên tục từ 12-14 giờ. Khi chạy đêm có hôm cũng khiến tôi rơi vào trạng thái bị mộng du, ảo giác.

Khi tham dự giải trail, các vật dụng một VĐV mang theo rất nhiều, tôi thường phải lên một check list cho mình để khỏi quên món đồ gì đó. 

Các vật dụng khi tôi chạy trail 70-100km thường có: gậy cầm tay, áo vest đựng nước, thanh năng lượng, muối, điện giải, chăn giữ nhiệt, đồ sơ cứu vết thương, thuốc giảm đau, vớ dự phòng, áo mưa, 2 chiếc đèn pin, thuốc xịt muỗi, còi báo hiệu… Tất cả những đồ mang trên người có khối lượng từ 2,5-3kg. 

Ngoài ra tôi cũng phải gửi thêm giày, quần áo, vớ ở điểm check-point để phòng khi giày bị hỏng, quần áo bị rách.

Đường đua của giải trail có núi cao, vực sâu, đất đá, suối chảy, mưa nắng dọc đường. Ở những chỗ đường khó đi tôi thường không đi một mình mà chờ có VĐV khác để đi cùng, dắt nhau qua suối, leo - đổ dốc. 

Ví dụ khi đi qua suối chảy hay chỗ trũng có nước, tôi sẽ lấy gậy để dò xem độ sâu và mức độ chảy của nước.

Tôi bị lật cổ chân trong khi chạy Núi Dinh 2 tuần trước khi tham dự Dalat Ultra Trail 2020. Vì thế khi dự Dalat Ultra Trail vừa rồi, khi mới chạy được 15km thì cổ chân và gối phải bị đau. 

Lúc đó tôi đã thử và tìm ra vị trí đáp phẳng lòng bàn chân, không rướn, không xoay, không lệch cổ chân thì không đau. 

Vì thế khi chạy tôi phải cắm mặt xuống nhìn mặt đường, tìm chỗ đáp chắc mỗi bước chân. Vì vậy có lúc do không nhìn thấy dây đánh dấu đường nên tôi đã bị lạc khoảng 2km. 

Quan trọng là sau khi bị đau, tôi dùng gậy 100% thời gian còn lại của quãng đường, biết phương án di chuyển an toàn nên sức khỏe ổn cho đến khi dừng cuộc đua.

Cần tìm hiểu kỹ năng sinh tồn khi chạy trail - Ảnh 3.

Một VĐV nước ngoài tham dự giải Vietnam Trail Marathon 2020 tại Mộc Châu, Sơn La - Ảnh: LƯU MINH KHƯƠNG


Chạy trail có sức hút rất lớn

Trong những năm qua phong trào chạy đường dài phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Bên cạnh những giải chạy marathon đường phố, hệ thống giải marathon, siêu marathon trên các vùng núi được mở rộng, thu hút hàng ngàn VĐV dự thi.

Tiêu biểu trong hệ thống giải trail tại Việt Nam hiện nay là 3 giải do Topas Travel (Đan Mạnh) tổ chức, đó là: Vietnam Mountain Marathon (VMM) vào tháng 9 tại Sa Pa, Vietnam Trail Marathon (VTM) vào tháng 1 tại Mộc Châu, Vietnam Jungle Marathon (VTM) tháng 5 tại Pù Luông (Thanh Hóa).

Giải VMM tại Sa Pa hằng năm có 3.000-4.000 VĐV trong nước và quốc tế tham dự, từng được nhiều hội nghị, diễn đàn về du dịch thể thao đánh giá là tạo sức bật cho du lịch tại Sa Pa.

Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân tổ chức nhiều giải trail trên các khu vực có núi cao như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Tà Xùa (Sơn La), Hà Giang, Quảng Ninh…

11 ngày & hành trình chạy bộ thần tốc 2.400km 11 ngày & hành trình chạy bộ thần tốc 2.400km

TTO - 0h sáng 10-6, 10 VĐV chạy bộ phong trào VN đã xuất phát từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) thực hiện hành trình “Chạy bộ tiếp sức xuyên Việt” dài 2.400km đến mũi Cà Mau trong 11 ngày.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp