08/10/2015 13:37 GMT+7

Cần tiếp tục gắn camera cho CSGT

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Việc chị Đỗ Vũ Hoàng Anh khiếu nại thượng úy Võ Chí Công, cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Đồng Nai khi thi hành nhiệm vụ đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Phải làm sao?

Ngày 4-9, chị Đỗ Vũ Hoàng Anh đã tung clip lên YouTube và Facebook cá nhân quay lại cảnh cự cãi với CSGT ở trạm ngã ba Thái Lan - Ảnh: Cắt từ clip

Chị Hoàng Anh không thỏa mãn với kết luận thanh tra dẫn đến lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai quyết định "Sẽ kiểm tra lại kết luận thanh tra" (Tuổi Trẻ 6-10).

Điều này cho thấy chứng cứ và nhân chứng luôn rất cần thiết khi giải quyết những mâu thuẫn như trên. Nhiều vụ việc vốn tưởng chừng đơn giản nhưng đã trở nên phức tạp, kéo dài. Trong đó, bài học từ vụ "neo xe cá" ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) là ví dụ rõ nhất.

Xưa nay, vướng mắc thường gặp với những trường hợp tranh chấp, kiện tụng chính là người bảo có, kẻ nói không.

Nhiều vụ việc xảy ra trên đường vắng, không có ai chứng kiến mà chỉ có "người trong cuộc" nên vấn đề xác định rõ nguyên nhân, đúng - sai, phải - trái không hề đơn giản. Trong khi pháp luật phải đảm bảo khách quan, công bằng, không thể dựa trên cảm tính để phán quyết.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện việc gắn camera trên mũ (hoặc ngực áo), của lực lượng CSGT khi thực thi nhiệm vụ như đang làm thí điểm ở một số đơn vị. Không chỉ ghi hình mà nên ghi âm nữa.

Trước hết, cần khẳng định rằng biện pháp này chỉ có lợi cho cán bộ, chiến sĩ CSGT, bởi vì nó góp phần quan trọng để "bảo vệ" CSGT, hỗ trợ việc xác định hành vi vi phạm của người, phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, nếu xảy ra những lời nói lăng mạ, xúc phạm hay hành động chống người thi hành công vụ thì đây sẽ là bằng chứng không thể chối cãi.

Mặt khác, một khi đã mang trên mình chiếc camera thì đương nhiên không CSGT nào dám nghĩ đến chuyện tiêu cực, nhũng nhiễu? Họ tự khắc phải biết giữ mình.

Ở chiều ngược lại, người vi phạm Luật giao thông khi biết CSGT được gắn "mắt thần" chắc chắn sẽ không có những phát ngôn, hành vi chống đối, lại càng không thể đưa tiền "bồi dưỡng" để được bỏ qua lỗi vi phạm.

Mọi sự giao tiếp, hành xử đều được ghi lại cụ thể bằng hình ảnh, âm thanh sẽ giúp hạn chế được rất nhiều những va chạm, tranh cãi không đáng có.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp này từ lâu và chứng minh được hiệu quả.

Chúng ta cũng đã đưa hệ thống camera vào sử dụng ở nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết hành chính cho người dân, hay camera an ninh tại những sân bay, điểm du lịch, nơi công cộng, trên xe buýt, nhiều lớp ở bậc học mầm non cũng đã có camera giám sát... đang tiếp tục đề xuất thực hiện trang bị camera trong quá trình điều tra viên ghi lời khai của bị can.

Thế nên, không khó để áp dụng rộng rãi đối với lực lượng CSGT. Tôi tin rằng không chỉ người dân mà cả những cán bộ được mang camera sẽ rất ủng hộ. Lén lút như bọn trộm mà còn bị phát hiện nhờ camera huống gì những việc làm mang tính công khai.

Giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ đương nhiên luôn cần thiết. Vừa qua, nhiều đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng ứng xử cho lực lượng CSGT.

Đây là điều rất đáng được khích lệ, nhân rộng. Tuy nhiên, cũng cần có những biện pháp "trợ giúp" khác, trong đó gắn camera là một việc nên làm.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp