Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ thị số 10/CT-TTg (ngày 19-4-2023) về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định thu hồi giấy phép lái xe (bằng lái) đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy.
Đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp bằng lái cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe…
Đây là giải pháp quyết liệt để ngăn chặn những tài xế sử dụng ma túy và nghiện ma túy gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như thời gian qua.
Thời gian qua báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng các doanh nghiệp vận tải vì lợi nhuận mà gây sức ép, yêu cầu tài xế tăng chuyến, tăng giờ chạy… Không ít tài xế container, xe khách đường dài, xe tải tuyến Bắc - Nam dùng ma túy để giảm căng thẳng, tỉnh táo và tạo cảm giác hưng phấn trong quá trình lái xe.
Hậu quả của việc này là rất nghiêm trọng, vì khi đã lệ thuộc vào ma túy thì sẽ thường xuyên sử dụng, gây ra ảo giác, sức khỏe giảm sút, không làm chủ tốc độ sẽ gây ra những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.
Thực tế là trong nhiều vụ tai nạn, người ta thường thấy tài xế vẫn còn đang trong tình trạng phê thuốc, "ngáo đá" không làm chủ hành vi của mình như hoảng sợ, phát ngôn không kiểm soát, lắc lư theo điệu nhạc…
Theo quy định hiện hành tại nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế ô tô dương tính với ma túy bị phạt hành chính 30-40 triệu đồng (người điều khiển xe máy 6-8 triệu đồng) và phạt bổ sung là tước bằng lái tối đa 24 tháng.
Hết thời hạn bị tước bằng lái, tài xế vi phạm mặc nhiên được tiếp tục cầm lái dù có thể họ vẫn đang nghiện ma túy, thậm chí còn nghiện nặng hơn. Do đó, cần thiết phải có quy định về thu hồi, tịch thu bằng lái đối với những trường hợp tài xế nghiện ma túy.
Đến khi nào người vi phạm được cơ quan y tế xác nhận không còn nghiện ma túy thì mới xem xét thi sát hạch và cấp bằng lái trở lại.
Bên cạnh đó, tình trạng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái ô tô vẫn còn lỏng lẻo nên có những người nghiện ma túy "chạy" được giấy khám sức khỏe nên đã qua mặt nhiều cơ sở đào tạo cấp bằng lái.
Do đó, cần thiết phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở đào tạo, sát hạch bằng lái trong cả nước, không để xảy ra tình trạng mua, bán hoặc dễ dãi trong việc cấp bằng lái. Các cơ sở đào tạo cấp bằng lái phải chú trọng kiểm tra sức khỏe của học viên, kiên quyết không cấp bằng lái đối với người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy và phải chịu trách nhiệm nếu cấp bằng lái cho các đối tượng này.
Có như vậy mới có thể giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do các tài xế sử dụng ma túy và nghiện ma túy gây ra trong thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận