“Chúng tôi sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc kêu gọi, đồng bào lên tiếng....”. Trong ảnh: chiến sĩ Mùa hè xanh tham gia khơi thông dòng chảy trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan |
Chúng tôi luôn sẵn sàng...
Hỏi “” thì tôi, một công dân VN 28 tuổi, trả lời ngay: Có, nhưng chúng tôi cần thêm những thông tin chính xác về thời cuộc. Bản thân tôi hiện nay ngoài những trăn trở về việc làm, sức khỏe, hạnh phúc riêng của cá nhân và gia đình thì những diễn biến của thời cuộc vẫn luôn là điều tôi quan tâm theo dõi hằng ngày.
Đó là tình hình kinh tế đất nước, những gương điển hình từng ngày dựng xây, bảo vệ Tổ quốc và nhất là những tồn tại, những vấn nạn phải giải quyết để đất nước vững mạnh.
Tuy nhiên, tôi và có lẽ nhiều người trẻ khác cũng vậy, mong muốn tiếp cận tình hình thời cuộc đất nước một cách trung thực và chính xác nhất, từ các kênh truyền thông chính thống và các tổ chức Đoàn, Hội, chính quyền địa phương các cấp.
Một thực tế không thể phủ nhận rằng ngày nay, tốc độ lan truyền thông tin của mạng xã hội rất nhanh và rất rộng, nhất là những thông tin về tình hình chủ quyền biển đảo, các tệ nạn tham nhũng cũng như các sai phạm cá nhân trong bộ máy chính quyền, doanh nghiệp...
Sẽ là bình thường khi những thông tin ấy trùng khớp với báo chí chính thống và các kênh tuyên truyền của đoàn thể chính quyền. Nhưng có rất nhiều thông tin chênh nhau, gây nên sự phân vân trong người tiếp nhận, nhất là người trẻ. Bởi người trẻ luôn muốn tìm tòi, tiếp cận những thông tin mới, thích đi sâu vào những vấn đề nóng bỏng trong mọi lĩnh vực.
Đơn giản như chuyện tham nhũng, khi báo chí thông tin trong các đợt tổng kết mà số cán bộ bị phát hiện tham nhũng là 0%, cùng lắm là vài phần trăm, trong khi nội tại xã hội như thế nào, ít nhiều người dân và thanh niên đều nắm được không nhiều thì ít qua chuyện xin việc, lên chức, mua đất, xây nhà, lập doanh nghiệp...
Khi ấy, các luồng thông tin trên mạng xã hội phản ánh sát hơn, có bằng chứng cụ thể hơn. Chưa biết người đưa lên có ý đồ gì, nhưng ngay lập tức những thông tin ấy thu hút người ta đọc và xem, nhất là thanh niên.
Vụ một tàu của ngư dân VN gặp nạn ngoài khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc một vụ va chạm giao thông để lại nhiều nghi vấn... cũng vậy, thông tin luôn vênh nhau. Trên mạng xã hội thì có hình ảnh trực tiếp, có nhân chứng vật chứng, thậm chí video clip rõ ràng. Trong khi báo chí và các kênh tuyên truyền chính thống thì đôi khi chỉ có vài dòng chữ, rất khó thỏa mãn người đọc.
Minh bạch hóa và chính xác thông tin sẽ là liệu pháp hiệu quả nhất để thanh niên tiếp cận với tình hình thời sự chính trị xã hội của đất nước. Đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng lòng yêu nước chân chính, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ thanh niên hiện nay.
Chúng tôi, cũng như cha ông mình, yêu từng gốc cây ngọn cỏ, từng con sông con suối, từng mảnh vườn, từng khu phố. Chúng tôi biết đau khi đồng bào mình còn khó khăn, khi đất nước vẫn còn nhiều điều cần phải giải quyết.
Chúng tôi sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc kêu gọi, đồng bào lên tiếng, để non sông gấm vóc này ngày càng giàu đẹp hơn, kịp sánh vai với các nước bạn. Nhưng chúng tôi luôn mong muốn mình được tiếp cận vấn đề xã hội từ các kênh truyền thông chính thống một cách chính xác, không thêm bớt, cũng không che giấu.
Có một số thanh niên vì thiếu thông tin về thời cuộc, khi tiếp nhận ồ ạt thông tin trên các mạng xã hội cảm thấy choáng ngợp, hoài nghi và nếu không vững vàng sẽ đi sai đường. Phải nhìn nhận khách quan rằng để xảy ra hệ quả đó, có trách nhiệm lớn của hệ thống thông tin tuyên truyền chính thống.
Một khi thông tin chính thống từ báo chí và chính quyền đưa ra chính xác, thực tế, đen trắng rõ ràng thì không một ai có thể đặt điều nói xấu, đổi trắng thay đen hay lôi kéo người khác kích động được.
Tạo lập tinh thần công dân chủ động
Một số người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng đã mặc nhiên cho rằng chính trị là những điều “cấm kỵ” và vì thế, việc quan tâm đến chính trị chỉ là mối quan tâm cá nhân, những điều “chỉ giữ cho riêng mình” bởi người ta “biết tỏ cùng ai”.
Thế nên khi dạo một vòng các “trang nhà” của các cá nhân tham gia mạng xã hội, chúng ta đều chủ yếu nhìn thấy những hình ảnh, những dòng tâm sự buồn vui, các món ăn, những chương trình giải trí... chứ ít khi thấy bàn đến chuyện chính trị hay thời cuộc.
Ở cấp độ cá nhân, chắc chắn phần lớn mọi người đều quan tâm đến chính trị và thời cuộc bởi chúng là những vấn đề thiết thân, tác động hằng ngày hằng giờ lên đời sống của từng người. Làm sao mà người ta có thể làm ngơ trước cuộc bầu cử, làm sao có thể làm ngơ trước các chính sách được ban hành?
Thế nên có thể nói trong bản thân mỗi người đều có tồn tại “tính chính trị”. Nhưng xét ở cấp độ tập thể thì hình như chúng ta thấy phần lớn người Việt, trong đó có giới trẻ, không thể hiện sự quan tâm đến chính trị và thời cuộc, mà một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ quan niệm xem chuyện chính trị là những điều cấm kỵ như vừa nêu.
Do đó, để mỗi người công dân, trong đó có giới trẻ, có thể tham gia một cách tích cực vào đời sống chính trị thì Nhà nước phải chấp nhận rằng sự tham gia, thảo luận các vấn đề chính trị hay thời cuộc là điều có ích cho sự phát triển của đất nước và đó là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.
Khi mỗi công dân được kích hoạt tinh thần công dân chủ động thì họ sẽ hăng say tham gia, góp ý cho những vấn đề chính trị, thời cuộc của đất nước.
Còn ngược lại, họ sẽ chỉ chú tâm đến đời sống riêng tư, những mối lợi riêng của mình và chắc chắn điều này sẽ không thúc đẩy cho sự tiến bộ của đất nước. Tất nhiên tinh thần công dân chủ động phải tuân thủ nguyên tắc “nhà nước pháp quyền”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận