Chiều 7-12, kỳ họp HĐND thành phố Cần Thơ vào phiên chất vấn với nhiều câu hỏi "nóng" dành cho giám đốc, thủ trưởng nhiều sở, ngành.
Cán bộ co cụm, cầu an, thận trọng quá mức
Chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ Châu Việt Tha, đại biểu Nguyễn Văn Dũng cho biết trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố có hiện tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý có tình trạng e ngại, thiếu tính chủ động, thiếu sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc. Thậm chí có tình trạng co cụm, cầu an và thận trọng quá mức.
Tại hội nghị vào tháng 7-2023, bí thư Thành ủy Cần Thơ đã có nêu kiên quyết xử lý cán bộ "ba không" (không nói, không tham mưu đề xuất, không làm). "Trước thực trạng này, giám đốc sở có tham mưu gì cho UBND thành phố các giải pháp xử lý để thành phố chúng ta năng động, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển?", ông Dũng hỏi.
Ông Châu Việt Tha nhìn nhận "ngành nội vụ đã thấy được vấn đề này". Do đó, thời gian qua sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, chấn chỉnh.
Ngoài ra, sở cũng đã tham mưu UBND thành phố có văn bản kiểm điểm, xử lý trách nhiệm sáu cơ quan, đơn vị để xảy ra giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu. Mới đây, sở tiếp tục tham mưu xử lý thêm một đơn vị có chậm trễ tương tự.
"Thời gian tới sở sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu UBND thành phố trong việc ban hành công văn thể chế các chỉ thị của Chính phủ, như chỉ thị 26 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát công vụ.
Sở cũng có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải rà soát, kiểm tra, báo cáo tình hình cán bộ công chức cơ quan đơn vị mình quản lý có biểu hiện ngại trách nhiệm, sợ sai, không dám tham mưu, không dám đề xuất để sở tham mưu cấp có thẩm quyền có chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới", ông Tha trình bày.
"Bệnh thì không thể nào không điều trị"
Cũng tại buổi chất vấn, giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ Hoàng Quốc Cường nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu HĐND thành phố xung quanh việc chậm trễ trong việc đấu thầu gây tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trong đó có việc thiếu máu, chế phẩm máu cấp cứu tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.
Đáp lại, ông Hoàng Quốc Cường cho biết tính tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành gói thầu sinh phẩm, tuần sau sẽ tổ chức lấy máu tại các cơ sở hiến máu ở thành phố Cần Thơ là 2.000 đơn vị máu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 10.000 đơn vị máu. Vì vậy, theo ông Cường, "việc tiếp nhận máu đã được giải quyết".
Cũng theo ông Cường, sở đã có dự thảo thanh tra tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu, khi có kết luận sẽ báo cáo Thành ủy, UBND, HĐND thành phố.
Về tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế của thành phố, sở chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ thực hiện đấu thầu tập trung và đến nay 10 gói thầu tập trung đã có kết quả, ký hợp đồng, thời gian tới có đầy đủ thuốc, vắc xin dịch vụ cho tới năm 2025.
Ông Phạm Văn Hiểu, chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ, cho rằng việc thiếu sinh phẩm, trang thiết bị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nói riêng và thuốc, vật tư y tế ở thành phố Cần Thơ nói chung tất nhiên có yếu tố khách quan là thực hiện quy định mới, "nhưng có chủ quan do chúng ta chậm trễ trong tổ chức quy trình đấu thầu, thực hiện các bước mua sắm trang thiết bị".
Theo ông Hiểu, dù vấn đề tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu đã ổn, thuốc, vật tư y tế của thành phố nói chung cũng đã được giải quyết, nhưng ngành y tế cũng phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm.
"Hướng tới, đề nghị ngành y tế bằng bài học xương máu này có giải pháp gối đầu mua sắm để làm thế nào không gián đoạn. Cái gì gián đoạn được nhưng bệnh không thể nào không điều trị", ông Hiểu yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận