Đường Võ Văn Kiệt (quận Ninh Kiều) ngập nặng do triều cường trong những ngày cuối tháng 10-2022 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 3-11, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) phối hợp tổ chức phi chính phủ Friderich Việt Nam (FNF) và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tại - viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng TP Cần Thơ) - cho biết vừa qua do triều cường xảy ra cùng lúc với đỉnh lũ trên sông Mekong đã dẫn tới mực nước cao nhất đo được trên sông Hậu (2,27m) vượt qua cột mốc lịch sử năm 2019 là 2,25m, gây ngập nặng ở TP Cần Thơ.
Ông Tại cho rằng thực tế này dẫn tới công tác thực hiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị cũng phải tính tới yếu tố cốt nền. "Trong quy hoạch đô thị hiện nay, TP có cao độ nền thoát nước mặt, trong đó có định hướng cho các khu vực. Như khu vực trung tâm Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy có dự án của Ban Quản lý ODA với các đê bao, cống ngăn triều, cốt nền không cần tôn cao, ảnh hưởng tới môi trường và nguồn lực xã hội. Các khu vực còn lại phải tính tới câu chuyện thoát lũ và xây dựng", ông Tại thông tin
Ông Võ Minh Cảnh - phó viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ - cho rằng hiện nay vấn đề ngập lụt đô thị có nhiều nguyên nhân như triều cường, hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, mưa và đã xảy ra ngập có cả 3 nguyên nhân này.
"Chúng ta có nhiều dự án, trong đó dự án nâng cấp đô thị vừa rồi xây dựng cống ngăn triều, đê bao, nhưng chưa đồng bộ, vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Vấn đề trọng tâm nữa là ngập gây ảnh hưởng thì phải có giải pháp điều tiết giao thông và cảnh báo như thế nào cho người dân", ông Cảnh đề xuất.
Theo ông Cảnh, ngập ở Cần Thơ thường xảy ra vào mùa nước nổi (tháng 9, 10 và 11), thời gian ngập chỉ vài giờ, chứ không phải ngập suốt. Tổng cả năm TP ngập khoảng 40-50 giờ, vì vậy cần sử dụng hệ thống thông minh cảnh báo thời gian ngập, tuyến đường ngập; nghiên cứu điều chỉnh giờ học sinh đi học, cảnh báo giao thông… để giảm thiểu nhiều nhất các tác động ngập lụt đô thị.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ) cũng cho rằng dòng chảy ngập lụt vào đô thị biến đổi rất bất thường vì luồn lách qua các khu phố khác nhau, có chỗ ngập sâu, ngập cạn nên việc cảnh báo như hiện nay không sát thực tế lắm.
Do đó nên tận dụng mạng lưới cộng tác viên để thông báo tại chỗ mà họ đứng vị trí ngập để thông tin qua các phương tiện như đài FM, mạng xã hội Zalo… "Cần tạo ra mạng lưới những người cộng tác. Như ở miền Trung nước ngập rất nhanh, chỉ có mạng lưới những người cộng tác như vậy thì làm hiệu quả hơn", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận