12/06/2013 05:00 GMT+7

Cận thị học đường: căn bệnh thời hiện đại

LAN ANH
LAN ANH

TT - Nhìn gần thời gian dài, chơi điện tử... đang là những lý do được cho là căn nguyên của tình trạng gia tăng chóng mặt học sinh “bốn mắt”.

"Trước đây, mỗi lớp học chỉ có 3-5 học sinh đeo kính, nhưng hiện nay ở nhóm trường chuyên, lớp chọn tỉ lệ này vượt quá 30%, còn trường học bình thường tỉ lệ này cũng vượt trên 20%"

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HUY

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huy (khoa mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt T.Ư), tật khúc xạ, trong đó có cận thị học đường, là căn bệnh không mới, có thể giải quyết dễ dàng bằng đeo kính, nhưng vẫn chưa có căn nguyên đầy đủ cho căn bệnh này.

Bác sĩ Huy cũng cho biết dịp nghỉ hè như hiện nay là cao điểm khám mắt cho trẻ em. Trung bình trước đây, một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân đến khám, nhưng giai đoạn gần đây có ngày đến 1.500 bệnh nhân, chủ yếu là trẻ em. Tại khoa mắt trẻ em, khoảng 60-70% các cháu đến khám là học sinh mắc tật khúc xạ, trong khi trước đây tỉ lệ này là 50%, còn lại là bệnh nhi mắc các căn bệnh khác về mắt.

Mắt nhìn gần thời gian dài, có nhiều phương tiện phải sử dụng mắt như máy vi tính, trò chơi điện tử, tivi... là những căn nguyên được cho là dẫn đến bệnh cận thị học đường. Theo bác sĩ Huy, nhìn gần thời gian dài là nguyên nhân chính nhất. Trước đây, mỗi lớp học chỉ có 3-5 học sinh đeo kính, nhưng hiện nay ở nhóm trường chuyên, lớp chọn tỉ lệ này vượt quá 30%, còn trường học bình thường tỉ lệ này cũng đã vượt trên 20%.

Bác sĩ Huy cho biết những học sinh có dấu hiệu nhìn gần nhiều, sát mặt vào sách khi học, hay kêu nhức mỏi mắt... cần đưa đi khám và cấp kính cận sớm. Tuy không khuyến cáo cụ thể về thời gian xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử chơi trò chơi hay xem truyện tranh bao nhiêu thời gian/ngày là vừa, nhưng bác sĩ Huy cho rằng không nên xem liên tục và kéo dài. Khi xem tivi, nên để mắt cách tivi khoảng 2-2,5m.

Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, hiện có những trường hợp chưa vào lớp 1, mới 4-5 tuổi đi khám do mắc cận thị học đường (không phải mắc cận thị bẩm sinh). Trong trường hợp đã được khám và cấp kính cận nhưng mắt vẫn có biểu hiện nheo mỗi khi nhìn xa, hay kêu nhức, không nhìn thấy bảng khi đến lớp... cha mẹ nên cho con đi khám dù chưa đến giai đoạn hẹn khám định kỳ. Bác sĩ Huy cảnh báo nếu mỗi sáu tháng mà độ cận của bé chỉ tăng dưới 0,75 điốp thì tốc độ tăng được coi là bình thường, nhưng trường hợp tăng trên 0,75 điốp trong sáu tháng là bất thường, cha mẹ cần xem lại thói quen sử dụng thiết bị điện tử, đọc sách, xem tivi và ánh sáng trong nhà, thời gian học bài của trẻ.

Trả lời về việc trên thị trường có nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo có tác dụng hỗ trợ trong việc làm chậm tốc độ gia tăng độ cận, hoặc phổ biến biện pháp điều trị bằng cách xoa và bấm huyệt xung quanh mắt, bác sĩ Huy cho rằng muốn trị bệnh phải nắm được cơ chế sinh bệnh, nhưng trong cơ chế sinh bệnh cận thị không có căn nguyên nào từ các huyệt xung quanh mắt hay xoa xung quanh vùng mắt có thể chữa trị được. Các thực phẩm chức năng thì tác dụng chưa rõ. Tuy nhiên, các trường hợp cận thị có nhức mỏi mắt có thể hỗ trợ thêm bằng vitamin nhóm A và B.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp