09/10/2024 11:50 GMT+7

Cần thêm hiện tượng lạ như ngành gạo

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi gần 1 tỉ USD để nhập khẩu gạo, dự báo còn tăng lên 1,3 tỉ USD trong năm nay, khiến không ít người bất ngờ, thậm chí pha lẫn lo lắng!

Cần thêm hiện tượng lạ như ngành gạo! - Ảnh 1.

Giờ gạo Việt đã định vị là gạo thơm và dẻo - Ảnh: BỬU ĐẤU

Vì sao một đất nước "lo cái ăn cho thế giới", xuất khẩu gạo hàng đầu mà lại đi nhập gạo? Liệu có vấn đề gì, nhất là an ninh lương thực?

Xin thưa rằng, về an ninh lương thực thì khỏi phải lo. Chúng ta đã có chiến lược giữ cây lúa. "Dù ai nói ngả nói nghiêng, đất mình trồng lúa không hề lung lay".

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo, thu về trên 5 tỉ USD, kỷ lục từ trước đến nay. Và dù có công nghiệp hóa nền kinh tế, chúng ta vẫn duy trì chiến lược đó, do vậy trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu nhiều gạo trên thế giới.

Thế tại sao lại đi nhập gạo? Là vì khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân Việt Nam đã chuyển sang trồng các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao để dùng trong nước và xuất khẩu.

Đã qua rồi cái thời gạo Việt Nam với đặc trưng là cấp thấp, ít thơm, lại xốp. Giờ gạo Việt đã định vị là gạo thơm và dẻo.

Rồi người kinh doanh lúa gạo cũng đã "khôn" ra. Gạo ngon có giá nhưng không hợp để làm bún, bánh tráng, bánh canh… vậy sao không mua gạo cấp thấp, giá rẻ về chế biến.

Tiền triệu, tiền tỉ chi ra để nhập gạo là vì thế. Đó là "hiện tượng lạ" của ngành gạo, nếu nhìn theo một thực trạng cũ: gạo Việt chất lượng thấp.

Nói rộng ra, việc vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu một mặt hàng, nhất là nông sản, là bình thường. Quan trọng là nhập để làm gì, và giá trị tạo ra từ nguyên liệu nhập khẩu qua chế biến là bao nhiêu.

Qua chế biến, giá trị xuất khẩu càng cao, cho thấy doanh nghiệp, ngành sản xuất đã trưởng thành hơn, đạt mục tiêu mà lâu nay chúng ta thường nói tới "tinh chế để xuất khẩu", thay vì xuất thô.

Để có được thành quả này là cả quá trình. Doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thị trường và thương hiệu tốt. Rồi đầu tư công nghệ chế biến và tay nghề công nhân phải nâng lên.

Khi có thị trường rồi, doanh nghiệp Việt chuyên sâu vào chế biến, tinh chế, nếu không đủ nguyên liệu thì tất nhiên phải nhập.

Những nước chưa có công nghệ chế biến sâu, phải bán nguyên liệu thô, chấp nhận "ăn ít" đi.

Khi chi tỉ đô nhập gạo, chúng ta đang dần thoát khỏi "phận" là trung tâm cung cấp nguyên liệu thô ra thế giới như 10 - 20 năm về trước khi chuyên bán nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến nước ngoài làm giàu.

Đâu chỉ có lúa gạo, Việt Nam cũng chi hàng chục tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy hải sản, gỗ, lúa mì, bắp, đậu nành... để chế biến.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng luôn ở trong tốp những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất về hạt điều, tiêu, cà phê, thủy sản, đồ gỗ và ngay cả thức ăn chăn nuôi doanh số xuất khẩu cũng lên đến trên 1 tỉ USD mỗi năm.

Tuy vậy, cũng không nên quá tự mãn. Vì dù đã có bước chuyển lớn từ xuất khẩu thô sang bán hàng chế biến, nhưng mức độ chế biến và hàm lượng giá trị gia tăng trong nông sản thực phẩm của Việt Nam ra thế giới vẫn còn tương đối thấp.

Chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Chẳng hạn như chiết xuất dưỡng chất cho ngành dược phẩm, y học, làm đẹp từ nông sản.

Đây là thị trường lớn, cũng là cơ hội làm giàu cho nhà nông và doanh nghiệp chế biến Việt mà chúng ta phải đạt tới. Có làm được việc này, nhà nông mới thoát kiếp "làm nông khó giàu", doanh nghiệp thoát cảnh "làm chỉ đủ ăn".

Cần thêm hiện tượng lạ như ngành gạo! - Ảnh 2.Xuất khẩu gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm?

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam nhưng sẽ không quá lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp