Nước mắt được sinh ra bởi 1 tuyến lệ chính (ở góc trên ngoài hốc mắt) và nhiều tuyến lệ phụ (nằm rải rác khắp kết mạc mi). Thành phần chính của nước mắt bao gồm 75% - 80% là nước, còn lại là các chất béo (lipid) đạm (gluco – protein) và lysozym (1 loại kháng sinh).
Mắt long lanh, cử động dễ dàng là nhờ nước mắt, ta nhìn các vật rõ hơn cũng nhờ nước mắt tạo ra 1 lớp quang học trong suốt. Khi có bụi, dị vật rơi vào mắt, nước mắt sẽ được huy động tức thời với số lượng lớn để nhanh chóng đẩy chúng ra ngoài.
Lysozym trong nước mắt là một kháng sinh tốt để chống viêm nhiễm, nước mắt cũng góp một phần dưỡng nhãn cầu. Khi còn trẻ, nước mắt được sinh ra vừa đủ để làm các chức năng trên, khi tuổi càng cao lượng nước mắt tiết ra càng giảm, những người trên 70 tuổi nước mắt chỉ còn bằng một nửa so với lúc còn trẻ.
Từ tuổi 50 trở đi, các tuyến nước mắt bắt đầu hoạt động kém. Khi tuyến nước mắt hoạt động kém, không cung cấp đủ nước mắt để bôi trơn khi chớp mắt sẽ dẫn đến khô mắt.
Tình trạng này cũng có thể là hậu quả của việc dùng thường xuyên các thuốc chữa dị ứng, cườm nước, bệnh tim…
Khô mắt là yếu tố thuận lợi có thể khiến giác mạc, kết mạc bị tổn thương vĩnh viễn và dẫn tới mù lòa. Khi bị khô mắt, người bệnh có cảm giác kích thích bất ổn như có dị vật trong mắt, ngứa mắt. Thường xuyên thấy mắt cộm, đỏ mắt, cay mắt, nóng mắt đôi khi thấy đau rát mắt.
Hiện tượng mờ mắt xảy ra sau khi chớp mắt, hiện tượng chảy nước mắt, ra dỉ mắt dính hoặc nhiều bọt trắng ở 2 góc mắt, thỉnh thoảng mắt mờ nhòe phải chớp mắt liên tục mới hết, khó mở mắt buổi sáng, nặng mi, cảm giác buồn ngủ…
Để phòng tránh bệnh khô mắt, các bác sĩ khuyên rằng, người cao tuổi nên đội nón rộng vành, đeo kính râm để ngăn bụi và gió, ánh sáng chói vào mắt, đặc biệt tránh những tác hại của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Người cao tuổi nên hạn chế đi ra ngoài vào buổi trưa nắng.
Khi bơi lội, người cao tuổi cũng cần đeo kính để bảo vệ mắt không bị nhiễm chất clo của nước hồ bơi. Người cao tuổi cũng cần ngủ đủ giấc, ngủ từ 7 – 8 giờ một ngày. Đây chính là cách giúp mắt hồi phục.
Khi thức khuya mắt sẽ trũng sâu, khi mất ngủ kéo dài mắt sẽ để lại các vết quầng thâm ở mi dưới. Khi khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, cặp mắt sẽ linh hoạt, có thần hơn.
Người cao tuổi không nên đọc sách hay xem tivi, máy tính trong thời gian quá lâu. Luôn tập cho mình thói quen chớp mắt thường xuyên. Nhắm mắt lại vài giây khoảng 30 phút một lần để nước mắt tráng đều qua giác mạc.
Trong chế độ ăn uống, người cao tuổi cần tăng cường bổ sung thêm axít béo omega-3 từ cá, các loại hạt hoặc từ các viên dầu cá để giúp phòng bệnh khô mắt cũng như làm dịu cho mắt khi bị đau.
Bổ sung thực phẩm giàu các loại vitamin tốt cho mắt như vitamin A, C, E vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
Thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, đu đủ, bí đỏ, sữa, hạnh nhân, rau cải xanh, mồng tơi, rau muống…
Thực phẩm giàu Vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi, dâu tây, ổi, nho, dứa, mãng cầu xiêm, măng cụt; trong rau tươi như: mồng tơi, cải bẹ trắng, ớt, hành, cà chua.
Thực phẩm giàu Vitamin E: gồm các loại dầu đậu nành, hướng dương, mè, đậu phộng, giá đỗ… Trà xanh và trà hoa cúc cũng rất hữu ích nhằm giúp ngăn chặn tình trạng mệt mỏi ở mắt. Người cao tuổi cũng nên cố gắng uống càng nhiều nước càng tốt.
Khi bị khô mắt, có thể dùng các loại nước mắt nhân tạo. Nhỏ nước mắt nhân tạo có tác dụng làm sạch bề mặt nhãn cầu, diệt khuẩn, đảm bảo giác mạc trong và duy trì chức năng thị giác. Nhỏ nước mắt nhân tạo ít nhất 4 lần/ngày hoặc chỉ 1 - 2 lần/ngày, hoặc nhiều lần trong một giờ tùy theo tình trạng mắt bị khô. Tuy nhiên, nếu thường nhỏ thuốc 4 lần/ngày mà tình trạng khó chịu ở mắt vẫn không giảm thì cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán chắc chắn và được hướng dẫn chữa trị cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận