Phóng to |
Nhiều gói thầu của đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên phải dừng thi công do chưa bố trí được vốn - Ảnh: NGUYỄN CHUÔNG |
Việc thẩm định lựa chọn dự án, chi phí đầu tư tăng quá mức, vận hành bảo dưỡng yếu kém dẫn tới các dự án đầu tư kém hiệu quả, ông Thắng nhấn mạnh kinh nghiệm thế giới.
Chiều 16-10, CIEM đã tổ chức hội thảo về “Đổi mới vai trò nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế - cơ sở quan trọng cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.
Đánh giá về quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, theo ông Thắng, tại một số địa phương đang có sự khép kín trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư và danh mục đầu tư.
Nêu thẳng những hạn chế trong quy trình thẩm định dự án đầu tư, ông Thắng nêu nhiều dự án công thường đã được ghi trong danh mục kế hoạch đầu tư hằng năm, vì vậy chủ trương đầu tư thực tế đã được quyết định. Do vậy, việc thẩm định tại một số nơi chỉ mang tính xem xét lại về sự phù hợp của thủ tục, trình tự pháp lý, sự phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức hay phù hợp về quy mô, quy hoạch…
Đặc biệt, cái mà các doanh nghiệp tư luôn phải tính đến, nhưng một số dự án đầu tư công lại gần như không có tính toán, phân tích, theo ông Thắng, là yếu tố lợi ích, chi phí của dự án. “Phần lớn dự án chưa đưa ra được nhiều phương án để lựa chọn phương án hiệu quả nhất hay chi phí thấp nhất” - ông Thắng nói.
Trong khi đó, TS Đinh Đức Sinh, chuyên gia tư vấn độc lập được CIEM mời tham gia hội thảo với tư cách đánh giá báo cáo của TS Thắng, thì cho rằng trong việc thực thi đầu tư công, Việt Nam đã có tới 10 luật liên quan, như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước… nhưng lại thiếu Luật Đầu tư công.
Ông Sinh tập trung phân tích yếu tố phân cấp trong đầu tư công và nêu thực tế nhiều bộ đã đầu tư lớn cùng vào một địa phương, trong khi đó các địa phương khác, nhất là vùng sâu vùng xa lại không được đầu tư công trình nào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có vấn đề “không thể không nêu”, theo ông Sinh, là tại ngay một số tỉnh vùng sâu vùng xa, tỉnh lộ còn to hơn cả quốc lộ. “Đây là sự thiếu công bằng, không thể biện minh được trong phân phối đầu tư công từ ngân sách trung ương” - ông Sinh nói.
Về nguyên do, theo ông Thắng cơ quan thẩm định có vai trò quan trọng trong đầu tư công nhưng năng lực lại thường hạn chế, không đủ luận cứ để loại bỏ dự án, vai trò giám sát của HĐND và các tổ chức của nhân dân mờ nhạt, thiếu thẩm định độc lập trong chu kỳ của dự án…
Kiến nghị, ông Thắng cho rằng cần đối chiếu chi phí các dự án đầu tư công đang xem xét với các dự án trong nước, thậm chí của nước ngoài để tránh bị “phóng đại”. Bên cạnh đó, ông Thắng kiến nghị cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về dự án đầu tư công, tăng vai trò của HĐND trong quản lý dự án…
TS Đinh Đức Sinh thì cho rằng tồn tại yếu kém trong đầu tư công đã được nêu nhiều trong diễn đàn Quốc hội, nhưng giải trình thường quy trách nhiệm về địa phương vì đã phân cấp. “Nhưng phân cấp đó chưa đủ để mỗi địa phương nhận được sự phân phối công bằng hơn, minh bạch hơn, không phải bằng cơ chế xin cho để nâng cao phúc lợi cho cộng đồng dân cư của mình, nhất là y tế, giáo dục”.
Đề nghị phá sản doanh nghiệp nhà nước không có khả năng phục hồi Cũng tại hội thảo về Đổi mới vai trò nhà nước tại CIEM, bà Nguyễn Thị Luyến, phó Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp-CIEM, cho biết qua hơn 25 năm thực hiện, đến nay mới có 158 doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp được bán, trong đó chủ yếu từ 2002-2007, từ 2008 đến nay rất ít. Việc chuyển giao doanh nghiệp, dự án chủ yếu diễn ra giữa các bộ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Điển hình là việc chuyển giao EVNtelecom cho Vietel, một số dự án của Vinashin cho Tập đoàn Dầu khí và Vinalines… Tuy nhiên, bản thân việc này, ông Trần Tiến Cường, nguyên trưởng Ban Cải cách Phát triển doanh nghiệp (CIEM), cho rằng đây lại là cách “chủ động làm lây lan bệnh trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”. Theo ông Cường, cần chuyển dần từ hình thức bàn giao hành chính sang chuyển nhượng theo cơ chế thị trường. Cho rằng việc bán DNNN là một trong những giải pháp quan trọng để giảm sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Luyến đề nghị cần quyết liệt trong tái cơ cấu DNNN: Doanh nghiệp nào không có khả năng phục hồi hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì nên kiên quyết cho phá sản, không nên chuyển giao cho DNNN khác, tránh gây khó khăn, ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp tiếp nhận. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận