Thẻ căn cước công dân chứa nhiều thông tin cá nhân nên người dân tuyệt đối không cho mượn - Ảnh: DANH TRỌNG
Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội và sử dụng vào việc đăng ký các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền) để đánh cắp thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, kẻ xấu còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000-300.000 đồng trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp)...
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, kẻ xấu sẽ bán cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để làm giấy tờ giả, lừa đảo, chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc...
Đặc biệt, kẻ xấu còn giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, thuế... gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội...
Khi bị kẻ xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận