Một sạp hàng ở chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Vậy làm sao để chọn thực phẩm cho những ngày Tết an toàn, chất lượng?
Nhộn nhịp từ chợ truyền thống đến chợ online
Không khí tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) vào rằm tháng chạp (sáng 17-1) rất sôi động, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Đây là một trong những chợ chuyên bỏ sỉ và bán lẻ các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm khô phục vụ ngày Tết tại TP.HCM.
Ngay mặt trước chợ, nhiều sạp hàng trưng bày rất nhiều bánh kẹo, hạt, mứt... với đủ màu sắc, kiểu dáng bắt mắt.
Qua quan sát, phần lớn bánh, mứt, kẹo ở đây đều được người bán đựng trong hũ lớn, bịch nilông lớn thô sơ, không có thông tin nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần. Hầu hết đều được bán theo dạng cân ký với mỗi ký có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn, tùy loại.
Ngoài các loại bánh kẹo thì các loại khô gà, khô bò, tôm khô, lạp xưởng, rong biển... đã được bày bán rất nhiều, thậm chí tràn cả lối đi hay gần rãnh thoát nước mà không được che đậy kỹ lưỡng.
Dạo một vòng các sạp hàng bán bánh kẹo Tết, chúng tôi luôn nhận được lời mời gọi mua hàng từ các chủ sạp và được bốc tay ăn thử trước khi mua.
Ghé sạp hàng Đ., chúng tôi hỏi mua mứt bí và thắc mắc hạn sử dụng, xuất xứ vì trên bao bì không có thông tin gì, chủ sạp nói: "Hàng mới hết đó. Mứt bí 100.000 đồng/kg, không lo chất lượng". Người này cũng cho biết so với thời điểm năm ngoái, sức mua năm nay có giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), các gian hàng cũng bày biện đầy các loại bánh kẹo, mứt... nhưng vắng bóng người mua hơn. Một số chủ sạp ở đây còn mời gọi mua các sản phẩm bánh mứt ngày Tết "tự tay nhà làm", "không ngon trả lại", "mua càng nhiều, sẽ giảm giá thêm" và khẳng định các loại mứt, trái cây sấy khô đều lấy từ Đà Lạt.
Không chỉ ở các chợ, thị trường thực phẩm phục vụ ngày Tết trên mạng xã hội những ngày gần đây cũng rất sôi động với muôn vàn mặt hàng hấp dẫn và phần lớn được giới thiệu làm bằng phương pháp thủ công, tại nhà. Mặc dù chỉ là hình ảnh chụp lại nhưng việc mua bán vẫn nhộn nhịp, lượng tương tác nhiều.
Làm người tiêu dùng thông minh không dễ
PGS Trần Hồng Côn cho rằng vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ bánh, mứt, kẹo tăng cao; do đó sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng "3 không" được tung ra thị trường bán nhiều hơn.
Với vô vàn thực phẩm ngày Tết được bày bán, trong đó có hàng kém chất lượng được "hô biến", tâng bốc qua lời giới thiệu của người bán thành sản phẩm an toàn, khiến người mua rất khó phân biệt đâu là hàng chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng.
Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu. Tránh chọn mua những sản phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Theo PGS Hồng Côn, ngoài mua thực phẩm ở chợ, siêu thị, các cửa hàng, hiện nay nhiều người dân có thói quen mua trên mạng xã hội.
Thói quen mua sắm này nở rộ trong đợt dịch COVID-19 và duy trì đến nay. PGS Hồng Côn cho rằng nếu người dân lựa chọn mua thực phẩm được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống từ những người quen biết trước thì an toàn hơn thực phẩm ở nơi lạ.
"Để lựa chọn thực phẩm ở chợ an toàn, chất lượng thật không dễ dàng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội, cao nhất là cơ quan chức năng phải quản lý chặt và minh bạch. Bản thân mỗi người phải là người tiêu dùng thông minh", PGS Hồng Côn nói.
Các loại mứt phục vụ ngày Tết được bày bán ngay lối đi - Ảnh: X.MAI
Cách chọn thực phẩm an toàn
Theo Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, sản phẩm bánh kẹo, mứt nằm trong danh mục thực phẩm bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Do đó, sản phẩm bánh kẹo, mứt khi lưu thông trên thị trường phải thực hiện tự công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.
Với sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt. Với sản phẩm bán theo khối lượng nên chọn mua ở những nơi uy tín, có giấy tờ, hồ sơ liên quan đến sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản xuất và chất lượng sản phẩm vì những sản phẩm này thường được trưng bày trong các túi, hũ lớn thiếu các thông tin bắt buộc về sản phẩm.
Đối với các sản phẩm mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không dùng.
Nếu chọn giỏ quà Tết gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, tránh sản phẩm đã hết hạn hoặc gần hết hạn; hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Nên chọn mua riêng từng sản phẩm và nhờ người bán xếp thành giỏ quà.
Bảo đảm an toàn thực phẩm ra sao?
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh COVID-19 và tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn.
Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận