Các năm trước, con số cũng giảm so với năm trước đó nhưng so với chủ trương, kỳ vọng vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Nói như thế là bởi bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, thậm chí đến giữa năm 2017 vẫn có 20/22 bộ, ngành gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định đề xuất tăng biên chế, và có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được giao.
Tính từ năm 2015 đến nay, cả nước chỉ giảm được khoảng 34.660 biên chế. Việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỉ lệ tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra. Đó là chưa kể hàng vạn người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Vậy phải giảm biên chế và giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước bằng cách nào? Đội ngũ biên chế đang thực hiện hai nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ hành chính và cung cấp dịch vụ công ích.
Để giảm gánh nặng ngân sách, việc tinh giản đội ngũ viên chức hoàn toàn có thể làm được theo hình thức chuyển sang dạng lao động hợp đồng, hoặc chuyển hoàn toàn sang cơ chế tự chủ. Cần phải đẩy nhanh quá trình này.
Như lực lượng viên chức trong mảng cung cấp dịch vụ công ích, mỗi xã, phường hiện có một trạm y tế, mỗi quận, huyện một trung tâm y tế dự phòng, cả nước có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, 713 đơn vị hành chính cấp huyện, tính riêng hai hệ thống này đã có hàng chục ngàn biên chế hưởng lương ngân sách có thể cắt giảm.
Bởi vì bộ máy y tế cấp phường, xã và trung tâm y tế tại các đô thị hiện nay đang không còn thực hiện vai trò khám chữa bệnh như vốn có trước đây. Người dân đã có nhiều lựa chọn, khám chữa bệnh trực tiếp tại các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa công và tư xuất hiện dày đặc tại các đô thị.
Đó chỉ là một ví dụ về khả năng cắt giảm bộ máy. Mở rộng ra các dịch vụ công ích khác mà tư nhân có thể làm tốt hơn nhà nước như giáo dục, môi trường, chiếu sáng đô thị thì con số tinh giản là rất lớn.
Kinh nghiệm tại Mỹ, để bảo đảm phúc lợi về giáo dục dạy nghề, chính phủ phát cho người dân có nhu cầu đào tạo nghề các voucher miễn phí, người dân có thể sử dụng các voucher đó để học nghề tại trường công hoặc trường tư mà họ thấy phù hợp.
Chính phủ sẽ thanh toán tiền cho các trường đào tạo, như vậy vừa bảo đảm được nhu cầu đào tạo của người dân, vừa tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng trong cung cấp dịch vụ công. Và như vậy, không nhất thiết phải sử dụng đội ngũ trong biên chế để thực hiện các dịch vụ công ích, cần chuyển mạnh các dịch vụ này cho tư nhân thực hiện.
Một con số thống kê về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Chính phủ gửi đến Quốc hội trong kỳ họp cuối năm ngoái đã nói lên tất cả.
Cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ tài chính, nhưng chỉ có 3,7% tự đảm bảo chi phí hoạt động, 35,8% tự lo một phần chi phí, 60,5% đơn vị ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.
Còn ôm đồm, chưa quyết liệt trong cắt nguồn sữa từ ngân sách thì việc tinh giản biên chế còn nhiều trở ngại và ngân sách chủ yếu để chi trả lương thay vì cho đầu tư phát triển.
NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận