Các tác giả đoạt giải cao nhận bằng khen từ đại diện ban tổ chức hội nghị - Ảnh: C.NHẬT |
Từ 79 tham luận được gửi về từ khắp mọi miền đất nước, ban tổ chức chọn ra sáu đề tài chất lượng cao cho vòng phản biện với các chuyên gia đầu ngành.
Có thể nhận thấy hầu hết đề tài đều có tính thực tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối tương quan giữa AEC với giới trẻ trong nước, chẳng hạn như:
Chất lượng giáo dục dựa trên danh tiếng trường ĐH trong bối cảnh hội nhập AEC, Xu hướng tự thay đổi định hướng nghề nghiệp của giới trẻ và người lao động ở TP.HCM khi hội nhập khu vực ASEAN…
Du lịch là một trong tám lĩnh vực được tự do di chuyển theo thỏa thuận AEC, vì vậy tham luận “Hoàn thiện chính sách pháp luật và quản lý nhà nước về du lịch - vấn đề cấp bách trong thời kỳ hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN” của giảng viên Nguyễn Thị Phương Thảo (ĐH Kinh tế - luật) thu hút được sự quan tâm đáng kể từ hội đồng phản biện lẫn khán giả.
Phương Thảo điểm qua những cơ hội lẫn thách thức trong lĩnh vực du lịch khi VN gia nhập AEC, từ đó đề xuất những kiến nghị thực tế (chuẩn hóa và nâng cao chất lượng ngành du lịch, tăng đầu tư...) để cải thiện môi trường du lịch, tăng cơ hội việc làm cho giới trẻ trong nước.
Hay như một chủ đề rất thời sự là khởi nghiệp (năm 2016 được Chính phủ VN chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp), giảng viên trẻ Vũ Thanh Tùng (ĐH Tài chính - marketing) chọn cách tiếp cận câu chuyện trên thông qua chủ đề “Vườn ươm khởi nghiệp - bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho VN”.
Chủ đề này nhận về rất nhiều sự đồng tình lẫn góp ý từ ban giám khảo và khán giả, vì dẫu sao “vườn ươm khởi nghiệp” vẫn còn là điều khá mới mẻ với giới trẻ Việt nói chung, chưa kể rất nhiều bạn chưa thật sự hiểu rõ khái niệm này.
Dưới góc nhìn của một người trong hội đồng phản biện, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết ông đánh giá cao hội nghị vì đã giới thiệu được nhiều đề tài, giải pháp khả thi và sáng tạo, “hầu hết các tham luận đều được đầu tư tốt và dẫn chứng số liệu thực rất cụ thể. Đây là điểm rất quan trọng để từ đó các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo”.
Đồng thời, ông mong muốn ở những chương trình sau, hội nghị sẽ dành nhiều thời gian hơn cho vòng phản biện, bởi đây sẽ là điều giúp các tác giả hoàn thiện sâu đề tài nghiên cứu của mình.
Chị Trần Hoàng Khánh Vân - trưởng ban quốc tế Thành đoàn TP.HCM - đánh giá chương trình đạt mức 85% so với kỳ vọng từ ban tổ chức:
“Sở dĩ như vậy là vì các tham luận còn thiếu độ sâu cần thiết, chẳng hạn như những đề xuất cụ thể về chính sách, đào tạo, khung pháp lý… Bên cạnh đó, còn quá ít tác giả góp ý đề xuất cho các tổ chức đoàn thể cần làm gì để giúp cho sinh viên, trí thức trẻ trước AEC”.
Ngoài ra, chị Vân cho rằng vòng phản biện sẽ thành công hơn nếu nhận được sự tham gia tích cực từ đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Nói về định hướng lâu dài, chị Vân cho biết ban tổ chức dự kiến hội nghị năm sau sẽ được mở rộng để các đại biểu quốc tế có thể tham gia với chủ đề rộng hơn và diễn ra hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Sẽ chuyển kỷ yếu để các ban, ngành tham khảo Hội nghị khoa học trẻ 2016 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức thu hút 79 tham luận của 133 nhà khoa học trẻ đến từ 31 đơn vị trên cả nước, trong đó 31 bài chất lượng cao được ban tổ chức chọn để đăng kỷ yếu hội nghị. Kỷ yếu này được chuyển cho các ban, ngành tham khảo. Ban tổ chức trao giải cho các tham luận có chất lượng sau vòng phản biện sáng 25-12. Hai giải nhất thuộc về tham luận: “Cảm nhận về kỹ năng mềm của sinh viên VN: một phân tích theo khung kỹ năng mềm của Malaysia” của nhóm tác giả thuộc Trường CĐ Công thương TP.HCM và “Vị trí ngành dệt may VN trong khu vực ASEAN nhìn từ góc độ lợi thế so sánh” của tác giả Nguyễn Văn Nên (ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận