Khách chọn mua sản phẩm thương hiệu cao cấp tại một trung tâm thương mại ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là những dự báo quy theo sức mua, không phản ánh thu nhập thực tế của người dân.
Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thu nhập người Việt hiện đạt khoảng 9.000 USD/năm, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) nhận định người Việt có thu nhập 11.000 USD/năm vào năm 2023.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê dự báo với mức tăng trưởng trung bình 7% trong 10 năm tới thì thu nhập người Việt mới đạt 7.500 USD/năm vào 2030.
GDP bình quân đầu người ở mức bao nhiêu?
Với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, kinh tế thế giới ngưng trệ, nhiều nước tăng trưởng âm nhưng Việt Nam tiếp tục sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,7% trong năm nay, nhiều tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục đưa ra các dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam những năm tới.
Báo cáo Dự báo kinh tế châu Á trung hạn vừa được JCER công bố đã dự báo Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 11.000 USD/năm.
Hồi tháng 10 năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, dự báo GDP Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 340,6 tỉ USD, tương đương GDP bình quân người Việt đạt khoảng 3.500 USD/năm.
Trong báo cáo "Việt Nam 2035, từ chiến lược đến hành động" được công bố hồi tháng 6, World Bank cũng nhận định GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 2.800 USD/năm.
Nhưng nếu nhìn trên tiêu chuẩn của World Bank, nếu so mức sống với người dân các nước, thu nhập người Việt đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo sức mua tương đương).
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Chính phủ gửi tới kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho thấy năm 2020 GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 263.000 tỉ đồng so với năm 2019.
GDP bình quân đầu người quy đổi ra USD ước đạt 2.750 USD/năm, tăng gần 35,6 USD so với năm 2019.
Hiểu đúng về các con số
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết Việt Nam đang tính toán GDP bình quân đầu người theo cả 2 cách, đúng theo thông lệ quốc tế.
Đó là tính GDP quốc gia rồi chia bình quân đầu người theo đồng nội tệ, theo cách này năm 2019 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 2.700 USD/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp với World Bank tính GDP theo sức mua tương đương.
Điều này xuất phát từ giá trị hàng hóa sản xuất của mỗi nước khác nhau, chẳng hạn 1 tô phở ở Việt Nam có giá 35.000 - 40.000 đồng, nhưng một tô phở tại Mỹ có giá 9 - 10 USD (khoảng 230.000 đồng), trong khi chất lượng phở là như nhau.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho hay cứ 5 năm/lần, World Bank đều có tính toán GDP theo sức mua tương đương của các quốc gia, thông thường sẽ tính toán để so sánh các nước trong cùng khu vực với nhau (lấy phẩm chất các mặt hàng tiêu dùng, lấy giá của từng nước để quy ra sức mua tương đương).
Năm 2019, nếu tính toán GDP theo sức mua tương đương thì thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 8.000 USD/năm.
Vì thế, cách tính GDP bình quân đầu người đạt 11.000 USD vào năm 2023 của JCER không phản ánh cuộc sống, thu nhập người Việt cải thiện "thần tốc" mà chỉ là cách tính so sánh với ví dụ là tô phở ở Việt Nam và tô phở ở Mỹ, ông Lâm khẳng định.
Còn theo TS Trần Toàn Thắng - trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư), theo tính toán gần đây nhất thì GDP bình quân người Việt quy đổi theo sức mua tương tương khoảng 7.000 - 8.000 USD/năm.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi nên khó tăng trưởng nhanh được.
Có thể GDP quy theo sức mua tương đương của người Việt sẽ tăng cùng với đà tăng GDP danh nghĩa nhưng không thể nhanh tới mức đạt 11.000 USD/người vào năm 2023. Tăng GDP theo sức mua tương đương cũng phải dựa trên đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, TS Thắng nói.
TS Thắng cũng khẳng định rằng nhiều nước thu nhập bình quân quy ra USD thấp nhưng họ lại tiêu dùng được nhiều sản phẩm hơn.
Đông đảo người dân mua mỹ phẩm tại một trung tâm thương mại ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Coi chừng chênh lệch giàu nghèo
Nhiều năm công tác trong ngành thống kê, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại cho rằng GDP bình quân đầu người thực ra không phải thu nhập bình quân đầu người. Thu nhập bình quân đầu người hiện cao hơn thu nhập thực của người lao động.
Trong GDP có thu nhập từ sản xuất của người lao động, thặng dư, thuế, khấu hao. Và thu nhập thực của người lao động trong sản xuất chỉ chiếm 54-58% GDP bình quân đầu người hiện nay.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người cần tính toán gồm thu nhập từ sản xuất của người lao động, cộng với các thu nhập từ sở hữu như bỏ tiền vào ngân hàng, chơi chứng khoán có lời và kiều hối từ nước ngoài gửi về - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.
Vị chuyên gia này chia sẻ việc tính GDP đầu người theo sức mua tương đương cả thế giới đều đang làm vậy. Nhưng nói Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023 là không có cơ sở.
Trong cơ cấu GDP cả nước hiện nay, tỉ lệ đóng góp cao nhất vẫn là hộ cá thể nên chúng ta chưa thể trở thành nước thu nhập trung bình cao.
Hơn nữa, coi Việt Nam là nước thu nhập trung bình cao không mang lại lợi ích cho số đông người dân, ngược lại có nhiều bất cập khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
Về phương pháp tính GDP, chuyên gia Bùi Trinh cho biết hiện có 3 phương pháp cơ bản là tính theo phương pháp sản xuất, phương pháp chi tiêu, phương pháp thu nhập.
Và đôi khi dự báo chỉ là dự báo, là một phương pháp tính toán chứ không có nhiều ý nghĩa trong thay đổi thu nhập thực tế của người dân.
Việc tính toán GDP theo sức mua tương đương tăng nhanh những năm tới chỉ có ý nghĩa về thành tích, dùng để so sánh với các nước khác. Nó tương tự như chuyện Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỉ USD trong 11 tháng năm nay, nhưng người Việt chỉ được hưởng lợi 14-17% giá trị xuất siêu đó.
Điều quan trọng lúc này, theo TS Trần Toàn Thắng, là phải tăng được thu nhập thực của người dân trong những năm tới, con số GDP quy theo sức mua tương đương tăng cao không có nhiều ý nghĩa.
Thu nhập trung bình cao: từ 3.466 - 10.725 USD/người
Về cách tính GDP danh nghĩa theo đồng nội tệ hiện nay của Việt Nam, theo ông Nguyễn Bích Lâm, là hoàn toàn phù hợp với các nước, họ cũng tính theo đồng nội tệ. Còn GDP theo sức mua tương đương chỉ để so sánh giá trị tiêu dùng tương đương nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, GDP theo sức mua tương đương sẽ không dùng để đánh giá Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình cao. Mặt khác, đánh giá theo sức mua tương tương không có nghĩa rằng mức sống của người Việt cao hơn.
Để xác định Việt Nam có phải là nước thu nhập trung bình cao hay không luôn căn cứ vào GDP danh nghĩa của người Việt tính theo đồng nội tệ hiện nay là hơn 2.700 USD/năm.
Và muốn bước vào ngưỡng các nước có thu nhập trung bình cao theo thông lệ của World Bank thì GDP danh nghĩa bình quân đầu người phải đạt từ 3.466 - 10.725 USD/người, tất cả các nước đều làm vậy.
Muốn có tương lai phải nắm công nghệ
Trở nên nổi trội trên bản đồ thế giới nhờ phản ứng hiệu quả trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đang được giới chuyên gia toàn cầu đánh giá cao không chỉ về khả năng phục hồi kinh tế hậu đại dịch, mà còn về tiềm năng phát triển trong tương lai xa.
Các chuyên gia còn chỉ rõ Việt Nam cần phát triển theo hướng phát triển công nghệ để nắm được tương lai.
Một nhà máy sản xuất máy trợ thở tại Hà Nội - Ảnh: Reuters
Bền bỉ vượt đại dịch COVID-19 đã tạo nên cơn khủng hoảng được xem là sự kiện "vô tiền khoáng hậu" đối với kinh tế toàn cầu. Bản cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020 (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào tháng 12 đã thay đổi dự báo GDP tăng trưởng 1% của Đông Nam Á thành suy thoái 4,4%, trước khi phục hồi tăng trưởng 5,2% trong năm 2021.
Trong bản ADO mới nhất, Việt Nam là quốc gia duy nhất được dự đoán tăng trưởng dương trong năm nay với mức 2,3% và 6,1% trong 2021, tức cao hơn mức trung bình của khu vực (Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đều rơi vào vùng suy thoái).
Sự bền bỉ của nền kinh tế Việt Nam trước đại dịch đã được cộng đồng quốc tế công nhận. "Vì sự hội nhập sâu rộng cùng kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19 đang diễn ra nhưng vẫn cho thấy sự vững vàng đáng kinh ngạc", World Bank nhận định.
Dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 2,8%, World Bank cho biết Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thoát khỏi vòng suy thoái, dù tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 thấp hơn so với mức 6-7% ở giai đoạn tiền đại dịch.
Channel News Asia nhận định: "Phản ứng mạnh mẽ trước đại dịch COVID-19, xuất khẩu tăng và chi tiêu công tốt đã giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng suy thoái chung của thế giới trong năm 2020 và đẩy nhanh quá trình hồi phục".
Cũng theo Channel News Asia, việc phòng chống COVID-19 hiệu quả cũng giúp các nhà máy trong nước duy trì hoạt động và người dân sớm trở lại làm việc.
Đầu tư công nghệ cho tương lai
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020 của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năm 2018 xếp hạng 38/152, cao hơn so với hạng 41/152 của năm 2017. Cũng theo báo cáo này, thứ hạng của Việt Nam đã liên tục tăng từ năm 1990.
Chuyên trang về Internet vạn vật (IoT) của Singapore, FutureIoT, nhận định Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, điển hình là chính sách công nghiệp quốc gia cho đến năm 2030.
"Kế hoạch này chú trọng công bố các chính sách phát triển những ngành công nghiệp chủ chốt, đồng thời tạo ra môi trường thân thiện cho doanh nghiệp và bồi dưỡng nhân tài, sử dụng khoa học và công nghệ là động lực phát triển", FutureIoT viết.
Dù vậy, chuyên trang Vietnam Briefing của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates hồi tháng 10 cũng cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với sự phụ thuộc vào nhập khẩu, nguồn cung cấp gần 8% nguyên liệu thô, thiết bị và linh kiện sản xuất.
Trong bài viết hồi cuối tháng 7, ông Paul Tonkes - giám đốc phụ trách công nghiệp và dịch vụ hậu cần tại hãng dịch vụ bất động sản thương mại Cushman & Wakefield Việt Nam - nhấn mạnh Việt Nam không thể mãi dựa vào thế mạnh chi phí thấp để phát triển công nghiệp.
"Thay vào đó, nỗ lực hiện nay là đưa nền kinh tế này lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị, chuyển đổi nền sản xuất hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua tự động hóa, robot và in 3D" - ông Tonkes nhận định.
Ngoài ra, ông Tonkes cho rằng Việt Nam đang tiếp cận nhiều hơn với công nghệ không tiếp xúc vì sự xuất hiện của COVID-19. Đây là điều sẽ củng cố khả năng Việt Nam trở thành nơi sản xuất vắcxin COVID-19, cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp dược phẩm của quốc gia.
Thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm
Theo báo Nikkei Asia ngày 25-11, hãng chế tạo linh kiện điện tử Foxconn (Đài Loan) có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên đến 270 triệu USD.
Hãng tin Reuters sau đó cho biết dây chuyền sản xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) dự kiến hoạt động năm 2021. Cũng theo Reuters, Foxconn thực hiện việc di dời từ Trung Quốc sang Việt Nam là theo yêu cầu của Apple.
NGUYÊN HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận