17/10/2022 08:03 GMT+7

Cần sớm chốt quy chế tuyển sinh 2023

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Các trường đều cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố sớm quy chế tuyển sinh đại học 2023, vì dù chỉ là thay đổi kỹ thuật nhưng nó sẽ tác động rất lớn với thí sinh và các trường.

Cần sớm chốt quy chế tuyển sinh 2023 - Ảnh 1.

Các trường đại học, thí sinh đều mong muốn Bộ GD-ĐT sớm chốt quy chế tuyển sinh năm 2023. Trong ảnh: tư vấn tuyển sinh cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2022 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Thông tin ban đầu về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) khẳng định "sẽ có nhiều đổi mới, khắc phục hạn chế, sai sót của năm 2022". Trước đó, bộ cũng đã đề nghị các trường báo cáo phương án tuyển sinh đến năm 2025. 

Tuy nhiên, các trường lại cho rằng Bộ GD-ĐT phải sớm chốt quy chế tuyển sinh 2023 để công bố và các thay đổi cần có lộ trình.

Chưa có quy chế là không thể làm được gì

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ tuyển sinh năm 2022 rất thành công, có những kết quả đúng như kỳ vọng. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật và triển khai thực tế quy chế tuyển sinh vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện nếu muốn tiếp tục cải tiến tuyển sinh cho những năm sau.

"Cần sớm công bố quy chế tuyển sinh 2023, đặc biệt là những quy định liên quan đến triển khai quy chế, để các trường có thể điều chỉnh các quy định tuyển sinh cho phù hợp" - ông Nghĩa đề nghị.

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng chính việc chậm trễ ban hành quy chế tuyển sinh năm 2022 đã gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh của các trường. 

"Các trường đều có kế hoạch dự kiến công bố kết quả xét tuyển sớm với một số phương thức nhưng phải chờ quy chế. Mọi quyết định trong tuyển sinh các trường đều phải căn cứ vào quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT, nên khi chưa có quy chế là không thể làm được gì" - ông Hạ nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, về phía các trường đều rất mong có quy chế tuyển sinh để thực hiện các bước tiếp theo như xây dựng đề án tuyển sinh, tư vấn cho thí sinh... Vì cho dù các trường có đưa ra phương thức tuyển sinh nhưng có thể không thực hiện được do quy chế và hướng dẫn thực hiện quy chế mỗi năm mỗi khác.

"Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT khắc phục các lỗi kỹ thuật của phần mềm xét tuyển và lọc ảo chung. Đồng thời công bố sớm (tốt nhất là tháng 11-2022) các thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo để các trường xây dựng phương án tuyển sinh của mình cũng như triển khai tư vấn tuyển sinh. Sớm có quy chế thí sinh cũng yên tâm và chuẩn bị tốt hơn" - ông Nhân nói.

Vấn đề quan trọng nhất là mọi kế hoạch, phương thức, quy định cần phải được thông qua cụ thể và sớm trước mỗi mùa tuyển sinh. Hiện các trường đại học và các thầy cô trường THPT đã tổ chức tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên do những thông tin chính thức về tuyển sinh từ Bộ GD-ĐT thường có rất muộn, nên việc truyền thông, tư vấn gặp rất nhiều khó khăn.

ThS Nguyễn Anh Vũ (trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Không khuyến khích xét tuyển sớm

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã thông tin dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh đại học năm 2023 và các năm tiếp theo. Bộ cho hay tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn... 

Đồng thời, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các trường không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (tuyển sinh đợt 1).

Cũng theo Bộ GD-ĐT, để đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung của toàn hệ thống, quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học. Việc tính mức điểm ưu tiên sẽ được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của ba năm qua cho thấy có sự bất hợp lý là tỉ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.

"Cách tính ưu tiên mới nếu được thông qua sẽ không còn tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển vượt quá 30, đồng thời các ngành có điểm chuẩn cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn" - đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.

Cơ bản giữ ổn định như năm 2022

Nói về kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2023 và các năm tiếp theo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT gần đây cho biết: công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Mỏi mòn chờ quy chế tuyển sinh đại học Mỏi mòn chờ quy chế tuyển sinh đại học

TTO - Đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố quy chế tuyển sinh đại học khiến công tác tuyển sinh của các trường bị xáo trộn, thí sinh cũng hết sức lo lắng.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp